DẪN NHẬP SÁCH SỬ BIÊN NIÊN

Tựa đề và vị trí trong bộ Kinh Thánh

Tựa đề Việt ngữ “Các sách Sử biên niên” muốn theo sát tựa đề trong bản Híp-ri : “Những lời, hoặc những việc thường ngày” liên quan tới lịch sử thánh. Bản LXX dùng từ paralipomenes có nghĩa là “những điều bỏ sót”, hàm ý rằng các sách này bổ sung cho các sách Sa-mu-en và các Vua. Nhưng hiểu như thế có lẽ không chính xác, vì viễn ảnh lịch sử và thần học của hai bên không hoàn toàn trùng nhau.

Việc chia sách thành hai quyển như hiện nay là không tự nhiên, vì lược đồ chung của toàn bộ được cấu trúc theo một thứ tự niên biểu từ đầu đến cuối, không có gì riêng biệt để tách thành hai. Một vấn đề khác, liên quan tới tính thuần nhất về tác giả, đó là liệu “công trình của tác giả sử biên niên” có gồm cả hai quyển Ét-ra và Nơ-khe-mi-a nữa không ? Đã có những ý kiến mới, hoàn toàn phủ nhận điều này. Tuy nhiên, nói chung người ta vẫn nhận rằng toàn bộ Sử biên niên, Ét-ra, Nơ-khe-mi-a chỉ là một công trình của một tác giả duy nhất. Điển hình nhất là sự trùng hợp giữa cuối Sb (2 Sb 36,22-23) và đầu Er (1,1-3).

Vị trí của Sử biên niên trong bộ Kinh Thánh Híp-ri là ở cuối hết, sau Er và Nkm. Điều này cũng hơi lạ ; có thể vì những hoàn cảnh không rõ nào đó mà Sb đã được nhận vào quy điển Do-thái sau. Các bản dịch thời nay, cũng như Công Đồng Phi-ren-xê (1442), đã xếp lại theo đúng thứ tự của các sách.

Lược đồ

Tầm nhìn lịch sử của Sử biên niên rất rộng, bao gồm từ cuộc tạo dựng loài người cho tới cuộc hồi hương sau lưu đày Ba-by-lon vào thế kỷ V tCN. Toàn bộ lịch sử này chia thành các phần chính như sau :

– 1 Sb 1 – 9 : Các bảng gia phả từ A-đam, qua mười hai chi tộc Ít-ra-en, đến vua Đa-vít. Tuy nhiên, có những danh sách trong số này được trải rộng ra quá thời vua Đa-vít.

– 1 Sb 10 – 29 : Vương triều vua Đa-vít, từ khi vua Sa-un qua đời, cho tới khi vua Đa-vít tạ thế.

– 2 Sb 1 – 9 : Vương triều vua Sa-lô-môn.

– 2 Sb 10 – 36 : Lịch sử một mình vương quốc Giu-đa, từ khi vua Sa-lô-môn băng hà cho tới thời lưu đày Ba-by-lon, không lâu trước cuộc hồi hương về Giê-ru-sa-lem. Tác giả chỉ quan tâm tới dòng họ vua Đa-vít mà thôi và phê phán các vua tuỳ theo các ngài trung thành hay thất tín với những nguyên tắc của giao ước, nghĩa là các ngài đi đúng hay trệch đường lối của vua Đa-vít. Đã có những xáo trộn bởi các vua đi trệch đường thì cũng phải có những cải tổ cần thiết để nắn lại. Tác giả đặc biệt quan tâm tới những cuộc cải tổ của hai vua Khít-ki-gia và Giô-si-gia-hu. Vậy phần cuối này cũng phân chia làm hai mục : 2 Sb 10-27 nói chung về những cuộc cải cách đầu tiên thời quân chủ ; 2 Sb 28-36 về những cuộc canh tân toàn diện thời vua Khít-ki-gia và vua Giô-si-gia-hu.

Tác giả và thời gian ra đời của sách Sử biên niên

Đây là một tác phẩm thuộc thời sau lưu đày, thời mà dân Do-thái không có độc lập về chính trị, nhưng cũng được nhìn nhận có quyền tự chủ phần nào : sống với luật lệ tôn giáo riêng của mình, dưới quyền điều khiển của hàng tư tế. Trung tâm đời sống quốc gia là đền thờ Giê-ru-sa-lem với các nghi thức phụng tự. Nhưng để hỗ trợ cho khung cảnh pháp luật và nghi thức đó, đã có cả một trào lưu sống đạo cá nhân, những giáo huấn khôn ngoan, những thành tích rực rỡ trong quá khứ cũng như những tủi nhục khó quên và niềm tin vững chắc vào những điều các ngôn sứ hứa hẹn.

Tác giả Sử biên niên nằm sâu trong môi trường sống đó. Là một thầy Lê-vi ở Giê-ru-sa-lem, mối bận tâm trước tiên của ông là Đền Thờ. Hàng tư tế nói chung và các thầy Lê-vi nói riêng, nắm một vai trò nổi hẳn trong tác phẩm của ông. Để có một ý niệm về điểm này, ta có thể so sánh 2 Sm 6 với 1 Sb 15-16 về việc di chuyển Hòm Bia về Giê-ru-sa-lem, hoặc giữa 1 V 8,1-13 và 2 Sb 5 về việc đặt Hòm Bia tại Đền Thờ, đủ rõ. Hơn thế nữa, các cấp dưới của hàng tư tế như các người giữ cửa và các ca viên cũng được tác giả cho hội nhập với các thầy Lê-vi (x. 1 Sb 25-26). Nói chung, tác giả Sb cho rằng toàn bộ tổ chức phụng tự đều do vua Đa-vít quy định và nhân sự nơi Đền Thờ tất cả đều thuộc chi tộc Lê-vi.

Sử biên niên được viết khá lâu sau Ét-ra và Nơ-khe-mi-a, vì tác giả có thể tuỳ ý phối hợp các nguồn tài liệu liên quan tới các sách này. Hoạt động của ông Ét-ra chủ yếu diễn ra vào cuối thế kỷ V sang đầu thế kỷ IV tCN. Vậy Sử biên niên không thể được biên soạn trước tiền bán thế kỷ IV. Có lẽ thời thích hợp nhất là quãng từ năm 330 đến 300 tCN. Hẳn là sau đó đã có những phần được biên soạn thêm vào công trình, nhưng xem ra khó chấp nhận ý kiến cho rằng toàn bộ các sách này đã ra đời mãi sau năm 200 tCN.

Công việc sáng tác

Không tác phẩm nào trong Cựu Ước cho thấy rõ cách thức công trình được soạn thảo như thế nào bằng sách Sử biên niên.

Tác giả sao chép lại một cách trung thực một số tài liệu ông có sãn, nhưng đôi khi sắp xếp theo thứ tự hợp với chủ đích ông theo đuổi, rồi ông sửa đổi đi theo các tài liệu khác nữa hoặc theo quan niệm riêng của ông về lịch sử và ý nghĩa của lịch sử. Đàng khác, ông cũng cẩn thận trích dẫn các nguồn được sử dụng, một điều hiếm thấy vào thời ông. Nhờ thế chúng ta có được những chi tiết thật quý giá, dù rằng không đầy đủ cho lắm và đôi khi khó biết rõ được.

Nguyên trong bộ Sử biên niên, tác giả nói đến trên dưới hai mươi lần các nguồn sử liệu ông biết đến. Trong các danh xưng trưng dẫn, hẳn là về nội dung, có những tài liệu trùng nhau. Nói chung, ta có thể quy các nguồn tài liệu đã được tác giả sử dụng về ba nhóm :

1. Các sách Sa-mu-en và các Vua, được ghi chép lại nhiều khi nguyên cả trình thuật.

2. Một tài liệu lịch sử khác, nay đã thất truyền, được tác giả dùng để bổ sung cho các sách sử nói trên, có thể từ “chú giải” (mid•räš) sách các Vua, thuộc loại này.

3. Một nhóm các tài liệu về nhiều truyền thống ngôn sứ khác nhau, được tác giả nói đến không rõ rệt lắm, những truyền thống này xuất phát có khi từ các sách Sa-mu-en và các Vua (truyền thống về ông Sa-mu-en), hoặc từ các sách Ngôn Sứ (I-sai-a), hay là từ các nguồn khác ngày nay chúng ta không biết đến.

Trên đây là phần sử liệu chính của các trình thuật trong Sử biên niên. Ngoài ra, còn phải nghĩ tới một số yếu tố khác nữa được tác giả đưa vào mà không chỉ rõ gốc gác và cũng chẳng quy chiếu về đâu cả. Đó là những bản văn thuộc các sách khác của Cựu Ước mà tác giả nắm vững và thường tham khảo. Các bản gia phả phần lớn lấy từ các sách Sáng thế, Xuất hành, Dân số, Giô-suê, Rút. Có chỗ lấy lại một phần hoặc trọn cả những bản văn phụng tự của Bộ Thánh vịnh (ví dụ : Tv 96 ; 105 ; 106 trong 1 Sb).

Tác giả sử dụng các nguồn tài liệu ấy thế nào ? Trước hết bằng phương pháp chọn lọc và loại bỏ, chỉ giữ lại những gì hợp với công trình ông muốn thực hiện. Quả thế, ông quan niệm rằng lịch sử đích thật của dân Thiên Chúa và của vận mạng dân này nằm trong vương triều và dòng họ vua của nhà Đa-vít. Theo ý niệm đó, tác giả không đả động gì tới lịch sử vương quốc Ít-ra-en kể từ sau cuộc ly khai Bắc Nam ; tác giả chỉ kể về vương quốc Giu-đa và về thủ đô Giê-ru-sa-lem mà thôi. Ngay cả về lịch sử miền Nam, tác giả cũng bỏ một số những sự kiện xem ra không đóng góp gì cho vinh quang của các triều đại vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, hoặc còn có thể làm mờ lạt đi là khác (Đa-vít ngoại tình, Áp-sa-lôm phản loạn, Sa-lô-môn về già sống sa hoa, thờ quấy, v.v.). Cũng vì phương pháp gạn lọc này mà công trình lịch sử của tác giả có những lỗ hổng lớn, như không hề nhắc đến lưu đày Ba-by-lon ; thời kỳ dài trên một thế kỷ lịch sử giữa cuộc lưu đày và thời phục hưng của Ét-ra và Nơ-khe-mi-a cũng bị chìm trong im lặng.

Rồi bằng một cố gắng thích ứng các tài liệu, ông sử dụng vào mục tiêu của ông. Đối với ông xem ra vấn đề niên biểu chính xác không đáng quan tâm ; rồi đàng sau trình thuật cũng có những ý kiến thần học của ông nữa. Từ đó ông trình bày sự việc theo cái nhìn riêng và như ông thấy diễn ra trong thời đại của ông. Thật ra, tác giả muốn đưa ra một “thần học về lịch sử” hơn là trình bày lịch sử một cách khách quan và đầy đủ. Nói cách khác, ông nhìn thấy trong lịch sử chứng cớ tỏ rõ Thiên Chúa vẫn hành động không ngừng để dần dần thực hiện Nước của Người. Theo cái nhìn đó, những tai hoạ giáng xuống các vua và các dân luôn luôn được giải thích như là do bất tuân phục Thiên Chúa ; trong khi đó các phúc lành bao giờ cũng là hậu quả của việc người ta tỏ ra nhiệt tình và trung tín đối với Đền Thờ và với phụng tự như thế nào.

Cuối cùng, Sử biên niên còn muốn bổ sung cho các nguồn chính là các sách Sa-mu-en và các Vua. Nhờ những tài liệu khác là những truyền thống đã được ghi chép, hoặc còn là truyền khẩu, tác giả Sb cung cấp những chi tiết bổ sung về một vài cục diện của lịch sử dân Ít-ra-en, không thấy đâu trong các Sách Thánh khác. Chắc chắn đây là một đóng góp quý giá cho việc tìm hiểu lịch sử dân này.

Mặt khác, khi so sánh Sb với các bản văn song đối ở Sm và các V ta thấy, trong các khác biệt chỉ có một số mang tính hiệu đính thần học hoặc văn chương, còn ngoài ra thường là những khác biệt ngẫu nhiên. Tác giả Sb hẳn đã đọc các sách Sm và các V theo một văn bản Híp-ri xưa hơn bản chúng ta có hiện nay và cả hai bên đều đã không tránh được những lỗi chính tả. Việc đối chiếu các bản văn này trong tình trạng hiện nay rọi một ánh sáng quý giá vào những sự cố khả dĩ gây trục trặc trong việc sao chép các Sách Thánh khác nữa. Sự kiện này cũng cho thấy tác giả Sb thường thường chép lại các nguồn một cách khá trung thực. Tuy nhiên ông điều chỉnh toàn bộ trình thuật nhờ những chỗ cắt xén tài tình hoặc những chỗ vay mượn từ những nguồn bổ sung khác, được ông cân nhắc kỹ lưỡng.

Chung quy, phương pháp soạn thảo Sb theo sát quan niệm của tác giả về lịch sử cũng như các quan điểm thần học của ông.

Quan điểm thần học

Sau đây là những điểm chính :

1. Lịch sử vương triều vua Đa-vít là trọng tâm của 1 Sb 11-29 trong khi toàn bộ lịch sử trước đó, kể từ A-đam trở xuống, chỉ được tóm gọn trong một loạt những bản gia phả (ch. 1-9) và được ráp nối với vua Đa-vít vỏn vẹn nhờ chỉ có một chương (ch. 10) về vua Sa-un, con người bị Thiên Chúa loại bỏ để Đa-vít được thay vào. So sánh Sb với các sách Sm và các V, ta thấy Đa-vít được tác giả trình bày như là nhân vật lý tưởng để thực hiện chế độ thần quyền trong Ít-ra-en. Thật ra, chỉ một mình Thiên Chúa mới là Vua của Ít-ra-en, nhưng Thiên Chúa lại đặt Đa-vít lên ngai báu của Người. Về phần mình, Đa-vít cũng là một con người yếu đuối và có giới hạn như ai, nhưng ông đã là một vị quân vương theo ý Thiên Chúa, khai sáng lên một dòng họ vua được Thiên Chúa bảo đảm là sẽ vô cùng tận. Vua đã có công biến Giê-ru-sa-lem nên thủ đô của vương quốc, đồng thời là Thành Thánh của Thiên Chúa. Tuy không được đích thân xây cất Đền Thờ cho Thiên Chúa, vì đã tham dự quá nhiều vào chiến tranh, nhưng vua đã chuẩn bị tất cả cho công trình vĩ đại đó, không thiếu một chi tiết nào. Rồi tác giả Sb cũng quy về vua Đa-vít toàn bộ tổ chức phụng tự sẽ được cử hành nơi Đền Thờ sau này. Cũng như hình ảnh ông Mô-sê nổi cộm trong thời lập quốc như nhà lãnh đạo lý tưởng, hình ảnh vua Đa-vít sáng chói không kém ở thời Ít-ra-en chuyển sang chế độ quân chủ.

Chính vì muốn lý tưởng hoá nhân vật anh hùng của mình như thế mà tác giả Sb đã bỏ đi tất cả những gì không trực tiếp đóng góp vào vinh quang của vua Đa-vít, hoặc làm cho nó bị hoen ố phần nào. Tất cả cuộc đời thơ ấu và thiếu niên của vua, rồi suốt thời Đa-vít bị vua Sa-un truy nã nên sống ngoài pháp luật và lập băng đảng trong sa mạc đều bị tác giả gạt một bên. Ngay cả bảy năm rưỡi Đa-vít cai trị Giu-đa ở Khép-rôn, trong khi các chi tộc phía Bắc phục tùng Ít-bô-sét, thái tử nối nghiệp vua Sa-un : thời gian này cũng bị tác giả để cho chìm trong quên lãng. Hơn nữa tất cả những biến cố xảy ra trong triều đình : liên hệ tình ái của chính vua với bà Bát Se-va vợ của tướng U-ri-gia, những cuộc tranh giành quyền thừa kế, cuộc nổi loạn của hoàng tử Áp-sa-lôm, tóm lại tất cả những trình thuật rất sinh động được ghi chép trong các chương 9-23 của sách 2 Sm, nhưng là những vết đen trong hào quang của vua Đa-vít, đều không được Sb nhắc lại.

Triều đại vua Sa-lô-môn cũng được tô son như thế. Tất cả những gì không hay không đẹp cho danh dự của vua, tác giả Sb đều loại bỏ : những cuộc thanh trừ tàn nhẫn các đối thủ của vua khi ông mới lên ngôi, cuộc sống xa hoa, việc buông thả theo các thần ngoại để thoả mãn các bà vợ của vua. Trái lại, tác giả Sb làm nổi bật một Sa-lô-môn chi li theo sát mọi chỉ thị của phụ vương trong công trình xây cất Đền Thờ kính Đức Chúa, và tổ chức lễ Cung hiến cực kỳ long trọng.

Thái độ hoàn toàn tiêu cực của tác giả đối với vương quốc miền Bắc cũng phải được nhìn qua lăng kính thần học này. Tất cả lịch sử vương quốc Ít-ra-en sau khi bùng nổ cuộc ly khai đều không được đề cập tới. Đối với tác giả Sb, chỉ vương quốc Giu-đa, được trao cho dòng họ vua Đa-vít, mới là hợp pháp ; các vua miền Bắc cai trị ở Sa-ma-ri, với một nền phụng tự nhiễm lây các nghi thức thờ cúng Ba-an, không có danh nghĩa gì đại diện cho dân đích thật của Thiên Chúa.

2. Đền Thờ và phụng tự cũng là mối bận tâm thấy rõ của tác giả Sb. Có người cho rằng đây mới là mục đích chính của tác phẩm : trình bày lịch sử của Đền Thờ, của Thành Thánh Giê-ru-sa-lem và của nền phụng tự cử hành nơi đây. Trước hết, các bản gia phả ở phần đầu đặc biệt chú trọng tới Giu-đa và Ben-gia-min, vì đối tượng chính là gia đình vua Đa-vít và lãnh thổ Giê-ru-sa-lem. Trong lịch sử các vua kế vị vua Đa-vít, tác giả chỉ tập trung vào Đền Thờ ; những vua được nói đến nhiều nhất chính là những vị đã quan tâm tu sửa Đền Thờ và canh tân phụng vụ, như các vua A-xa, Giơ-hô-sa-phát, nhất là hai vua Khít-ki-gia và Giô-si-gia-hu. Sau thời lưu đày, vẫn một mối bận tâm ấy xuất hiện trong các sách Er và Nkm : xây lại bàn thờ trên những tàn tích của Đền Thờ cũ (Er 3), tái thiết Đền Thờ (Er 4-6) và Thành Thánh (Nkm 1-4) cũng như phục hưng phụng tự (Nkm 8-9).

3. Nhân sự Đền Thờ cũng được tác giả đặc biệt ưu ái, chẳng kỳ là các tư tế, con cháu ông A-ha-ron, hay là các thầy Lê-vi, dòng dõi các thị tộc khác thuộc cũng một chi họ đó. Một sự kiện mà thôi cũng cho thấy rõ điều ấy : toàn bộ Ngũ Thư chỉ nhắc tới các tư tế có 27 lần, trong khi Sb đến 76 lần, cộng thêm 53 lần nữa trong Er/Nkm. Còn các thầy Lê-vi thì không phải chỉ là những người thừa hành cấp dưới ; họ còn khiêng Hòm Bia, giữ cửa và canh gác Đền Thờ, làm ca viên và nhạc công nữa. Thậm chí, trong một vài trường hợp họ cộng tác với hàng tư tế tham gia việc chuẩn bị các hy lễ (x. 2 Sb 29,34 ; 30,16-17), tuy không bao giờ được dâng lễ.

Cách thức tác giả bộc lộ niềm vui, lời ca ngợi và lòng tri ân Thiên Chúa qua các nghi lễ, giả thiết rằng có thể ông nằm trong số các thầy Lê-vi đó, hay ít ra ông đã muốn phục hồi chức năng đã bị mất giá của họ.

Như thế việc thờ phượng trong Đền Thờ duy nhất tại Giê-ru-sa-lem, nhất là do hàng tư tế và các thầy Lê-vi cử hành, biểu lộ lòng trung thành, niềm phấn khởi và sự tôn thờ của toàn dân đối với Đức Chúa là Chúa Thượng của mình. Sự tôn thờ này mặt khác đòi hỏi phải tuyệt đối tuân phục Lề Luật của Người. Phần Thiên Chúa công minh, Người ban phúc cho ai trung thành và giáng hoạ xuống kẻ bất trung ; đặc biệt là đối với các vua và liên quan tới Đền Thờ và việc thờ phượng. Trong khi sách các Vua chỉ nói đến niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của dân thôi, thì Sb còn đưa ra giải thích thần học vì sao, theo quan niệm thưởng phạt vừa nêu nữa. Sở dĩ vua Mơ-na-se có nhiều sai trái mà vẫn cai trị lâu dài, là vì vua đã hối cải và trở về với Thiên Chúa, rồi đã thanh tẩy Đền Thờ bằng cách dẹp bỏ các ngẫu tượng (2 Sb 33). Ngược lại, vua Giô-si-gia-hu rất trung thành với Chúa mà đã mất sớm là vì, theo tác giả, vua đã không tôn trọng ý muốn của Chúa trong vụ quân Ai-cập mượn đường lâm chiến ở Át-sua (2 Sb 35).

Độc giả Sử biên niên có thể thắc mắc tại sao tác giả không gợi ý gì về niềm hy vọng thiên sai, khi mà ông tập trung tất cả vào nhà Đa-vít và lý tưởng hoá nhân vật này đến như thế ? Thưa : là vì ông không chú trọng tới những viễn ảnh về tương lai, mà chỉ muốn rút từ quá khứ một bài học cho thế hệ hiện tại về lòng trung thành với Thiên Chúa, với Lề Luật của Người qua một nền phụng tự nghiêm chỉnh. Quả thật, tác giả Sb lý tưởng hoá quá khứ để cho thấy đời sống hiện tại của người dân Thiên Chúa phải thế nào : gương vua Đa-vít phục vụ cho chính thể thần quyền phải luôn nhắc nhở người đồng thời với tác giả biết cử hành phụng vụ, tuân thủ luật pháp thế nào để nắm chắc niềm hy vọng được Thiên Chúa ban thưởng công minh.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ