DẪN NHẬP SÁCH DÂN SỐ

Tên sách

Đây là cuốn thứ tư trong bộ Ngũ Thư, hay sách Luật. Dân số (Arithmoi) do các nhà phiên dịch bản Bảy Mươi đặt tên cho; bản dịch Phổ thông gọi là Numeri hay Liber numerorum. Sở dĩ người ta gọi tên sách như thế, vì những tường thuật kiểm tra dân số ở các chương đầu cuốn sách. Còn bản Híp-ri gọi là “Trong sa mạc”, đó là từ đầu tiên cuốn sách, nhưng cũng cho thấy nội dung cuốn sách: Hành trình của Dân Chúa trong sa mạc.

Sự hình thành sách Dân số

Như chúng ta đã biết, sách Dân số cũng như các sách khác trong bộ Ngũ Thư không phải do một tác giả duy nhất soạn thảo, nhưng là một tập hợp những nguồn văn khác nhau. Người ta nhận thấy sách Dân số khi thì nói đến cuộc kiểm tra dân số (1 – 4; 26), khi thì mô tả lễ cung hiến thánh điện (7) và thánh hiến các thầy Lê-vi (8), lúc lại chen vào những tường thuật hành trình của Dân Chúa (5 – 6; 9 – 12; 20 – 21), việc do thám Đất Hứa (13 – 14), lúc thì ghi lại những luật lệ (15 – 19), việc định cư ở Ca-na-an (25 – 36) và những lời sấm về dân Ít-ra-en (22 – 24). Như thế việc hình thành sách Dân số rất phức tạp.

1. Trước hết, các nhà Kinh Thánh khám phá ra sách Dân số được nguồn văn Tư Tế đóng góp nhiều nhất. Nguồn văn này do các tư tế văn sĩ chủ xướng, cung cấp những định chế tôn giáo của dân Ít-ra-en. Sách Dân số được biên soạn và hoàn tất vào tk VI – V tCN.

Đọc kỹ sách Dân số, chúng ta thấy phần đầu của sách (1,1 – 10,10) nói đến mười chín ngày cuối cùng ở Xi-nai. Người ta cho đó là phần phụ lục của sách Lê-vi và các chương cuối của sách Xuất hành. Phần này hoàn tất hai sách đó qua những trình thuật một tháng trước (Ds 6,22-27; Lv 9,22; Ds 7; Lv 8; Xh 40,2-17). Cuộc kiểm tra ở Ds 1 – 2 đã được nói đến trong Xh 38,25-26: số liệu hoàn toàn như nhau. Ds 27,12-13 mô tả hoàn cảnh ông Mô-sê sẽ chết tương ứng với Đnl 34.

Các nhà soạn sách đã không bỏ đi những sai sót trong các khoản luật. Vì thế có một số trình thuật song song với nhau về cùng một biến cố; chẳng hạn câu chuyện man-na và chim cút (Ds 11,4-34 và Xh 6); việc thiết lập hàng kỳ mục (Ds 11,10-17.24-30 và Xh 18); nguồn nước Mơ-ri-va (Ds 20,2-13 và Xh 17,1-7). Ngay trong sách Ds cũng có trình thuật được lặp lại: Ds 24,25 cho ông Bi-lơ-am trở về quê nhà (hoặc A-ram hoặc nơi người Am-mon), thế mà Ds 31,8 lại thuật dân Ít-ra-en đã giết ông trong cuộc chiến chống lại quân Ma-đi-an. Chương 33 liệt kê những địa danh trong hành trình vào Đất Hứa, nhưng lại khó được xác định trên bản đồ, và không có trong các trình thuật trước; đồng thời bỏ qua nhiều địa danh do các truyền thống Gia-vít và Ê-lô-hít nói đến trong sách Xuất hành.

Bộ luật tư tế thu thập nhiều luật lệ thuộc thời đại xa xưa cũng như thời đại mới, bởi vì luật pháp tiến triển theo biến chuyển xã hội của dân Ít-ra-en qua các thế kỷ. Sách Xuất hành và sách Lê-vi chứa đựng phần lớn các luật trong sách Dân số. Chúng ta gặp lần đầu một số luật trong sách Dân số; chẳng hạn luật về chuyện ghen tuông và lời khấn na-dia (5,11 – 6,2), luật về các lời khấn và về thánh chiến (30,2 – 31,54), về định cư ở Ca-na-an (32; 34 – 36). Có những mệnh lệnh, nhất là về tế tự, hoặc lấy lại, hoặc thích nghi hay hoàn thành những mệnh lệnh đã được ban hành; chẳng hạn: việc phục dịch của các thầy Lê-vi (3 – 4; 8); hiến lễ tạ tội những lỗi lầm vì vô ý (đối chiếu 15,22-31 với Lv 4,13-35); các hiến tế, các hy lễ và các ngày lễ (so sánh 15,1-16 ; 28 – 29 với Lv 1 – 7 ; 22,17-33; 23). Ngoài ra, luật về các ngày lễ nên được tham chiếu với Đnl 16; các thành trú ẩn (35,9-34) cũng được nói đến trong Đnl 19,1-13 và Gs 20,1-6.

2. Các trình thuật vay mượn nguồn văn Gia-vít và Ê-lô-hít. Hai nguồn văn này được soạn thảo từ tk IX-VIII tCN. Tuy nhiên, các truyền thống về hai nguồn văn này đã xuất hiện dưới hình thức truyền khẩu hoặc thành văn có từ trước nữa. Chẳng hạn văn chương cổ điển của Ít-ra-en đã ca ngợi thời chinh phục Đất Hứa được trích dẫn trong Ds 21,17-18.27-30 về giếng nước và cuộc thánh chiến, hoặc lấy trong cuốn Chiến sử của Đức Chúa (21,14-15). Vào quãng năm 700, hai nguồn văn này được đúc lại thành một tác phẩm, và một số trình thuật đã được đưa vào sách Dân số. Vì thế, người ta thấy sách Dân số như một công trình soạn thảo; nên việc xác định đâu là nguồn thuộc Gia-vít, đâu là nguồn thuộc Ê-lô-hít, thì rất khó, và thường phỏng đoán thôi.

Vì thế, chúng ta cũng cần phải lưu ý những đoạn văn nào thuộc nguồn chung Gia-vít Ê-lô-hít trong Dân số. Nguồn văn chung này rải rác trong 10,11 – 25,5 và một số yếu tố trong ch. 32. Sở dĩ phân biệt được các đoạn văn này là nhờ các trình thuật rất khác biệt với các trình thuật của truyền thống Tư Tế. Một số trường hợp, các trình thuật của hai nguồn văn này được đặt bên trình thuật của nguồn văn Tư Tế, chẳng hạn ông Mô-sê đề nghị cha vợ là ông Khô-váp đi với ông trong 10,29-32, ra khỏi Xi-nai theo sau Hòm Bia Giao Ước dẫn đầu (10,33), dân chúng than vãn ở Táp-ê-ra, phàn nàn về man-na, sự can thiệp của ông Mô-sê, bảy mươi kỳ mục, chim cút (11,1-35); bà Mi-ri-am và ông A-ha-ron chống lại ông Mô-sê; bà Mi-ri-am bị trừng phạt mắc bệnh cùi (12,1-16); dân Ê-đôm từ chối không cho dân Ít-ra-en đi qua xứ mình (20,14-21), chiến thắng A-rát (21,1-3), chuyện con rắn đồng (21,12-20), chiến thắng Xi-khôn (21,21-32), chuyện ông Bi-lơ-am (22,2 – 24,25); thờ ngẫu tượng tại đồng bằng Mô-áp (25,1-5).

Nhiều khi các trình thuật Gia-vít Ê-lô-hít pha trộn với truyền thống Tư Tế. Chẳng hạn: chuyện do thám Đất Hứa, dân nổi loạn và bị trừng phạt, thất bại ở Khoóc-ma (13 – 14); cuộc nổi loạn của Cô-rắc, Đa-than và A-vi-ram (16); cái chết của bà Mi-ri-am và nguồn nước Mơ-ri-va (20,2-13).

Nét đặc trưng

1. Sách Dân số trình bày chặng giữa cuộc xuất hành

Sách Dân số mô tả hành trình và ghi lại những giáo huấn làm gạch nối giữa các trình thuật của các sách Xuất hành, Lê-vi với sách Đệ nhị luật, giữa hành trình từ núi Xi-nai (Xh, Lv) đến biên giới Đất Hứa (Đnl).

2. Sách Dân số tuỳ thuộc sách Lê-vi

Đề tài chính của sách Lê-vi là sự thánh thiện trong mọi lãnh vực của đời thường, như thức ăn, quần áo, đau bệnh, đạo đức, luân lý xã hội, thờ phượng thường kỳ. Sách Dân số gia tăng niềm hy vọng khi nhấn mạnh đến nhu cầu cung hiến và dấn thân toàn diện cho Thiên Chúa để Ít-ra-en đạt thành công. Mục đích sách Dân số là sống thịnh vượng trong Đất Hứa.

3. Sách Dân số là một tổng hợp các trình thuật và các luật lệ

Điều này giống sách Xuất hành và sách Lê-vi. Mỗi tuyển tập luật đều thuật lại kinh nghiệm và bài học rút ra từ quá khứ. Ít-ra-en thích những nối tiếp sinh động giữa hành động của tiền nhân với luật lệ họ giữ; đồng thời họ vui mừng tưởng nhớ các hành động ấy trong thời gian lâu dài.

4. Hành trình trong sa mạc không phải là cuộc di chuyển thông thường

Đó là một doanh trại, Ít-ra-en như một đạo quân tiến đánh quân thù. Đó là một hành trình để chinh phục; hành trình chinh phục này sẽ kéo dài và kết thúc vào cuối sách Giô-suê, khi dân Chúa đã dừng chân trong Đất Hứa. Hầu hết các luật, những chuẩn bị rời Xi-nai và những mô tả các trận đánh xảy ra bên bờ đông sông Gio-đan đều được hướng đến hoạt động quân sự. Một người lính trong cuộc chiến vì Đức Chúa phải thánh thiện và có tâm hồn đơn sơ.

5. Sách Dân số tập trung vào lời hứa về Đất

Không còn lo lắng về lời hứa một đứa con nối dòng như sách Sáng thế, giờ đây Dân Chúa luôn nghĩ đến vùng đất sắp chiếm. Đất như niềm hy vọng lớn lao chi phối họ chịu đựng những gian khổ suốt thời gian ở sa mạc, và chi phối cả luật lệ chỉ đạo họ làm sao sống trung thành và lương thiện trong đất sắp chiếm như là một Dân giao ước.

Mục đích

Sách Dân số thuật lại thời gian lâu dài ba mươi tám năm con cái Ít-ra-en sống ở vùng sa mạc bao bọc phía nam và đông nam xứ Pa-lét-tin. Đây là giai đoạn đầu hình thành một dân tộc.

Sau ngày rời bỏ đất Ai-cập, dân Ít-ra-en từ một đám người du mục ô hợp được tổ chức thành đội ngũ theo từng gia tộc, thị tộc và chi tộc. Có người chỉ huy từng cấp vừa để giữ an toàn trật tự trong nội bộ qua việc xử kiện, giải hoà những tranh chấp, vừa để đương đầu với các bộ lạc du mục khác, hoặc các dân đã định cư, khi bị tấn công và cướp phá, và nhất là để tuân phục Đức Chúa đang lãnh đạo tiến vào Đất Hứa.

Thời kỳ sa mạc mang chiều kích giáo dục tôn giáo rất quan trọng đối với Ít-ra-en. Trước hết, họ phải biết rằng Thiên Chúa đã chọn gọi họ thành một dân riêng của Người. Họ phải ý thức họ là một dân đang lữ hành đầy mệt mỏi, âu lo, chưa được định cư, không được an toàn vì thiên nhiên đe doạ (sa mạc, bão cát, thiếu lương thực, nước uống), vì các dân địa phương (tấn công, cướp bóc). Đó cũng là một dân tộc khác thường, không giống với các dân tộc họ gặp trên đường vào Đất Hứa, vì họ thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất (độc thần), có một nền phụng tự riêng. Là một dân mới được tạo lập, chưa có lãnh thổ, chưa có luật pháp, chưa có nền hành chính, dân Ít-ra-en còn gặp bao khó khăn; từng bước, họ được Thiên Chúa truyền lệnh qua ông Mô-sê để giải quyết những khó khăn và thăng tiến cuộc sống của họ mỗi ngày có tổ chức hơn, văn minh hơn và nhân đạo hơn.

Dân Ít-ra-en trải qua một thế hệ trong sa mạc để Thiên Chúa thanh lọc (qua thử thách), giáo dục (qua lề luật) và thánh hiến họ (qua giao ước, phụng tự), hầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho họ sãn sàng tiến vào Đất Hứa. Mãi mãi họ vẫn là dân của Thiên Chúa, cho dù họ có thất bại, ngã gục, và là một dân hùng mạnh, cho dù họ nhỏ bé hơn các dân tộc láng giềng. Họ không phải là một dân thiên về đường lối chính trị và quân sự; nhưng họ là một cộng đồng chuyên lo tế tự phụng thờ Thiên Chúa (có hàng tư tế và Lê-vi). Một dân tộc được Thiên Chúa lãnh đạo, chỉ huy qua những phán quyết (Lời) của Người. Thiên Chúa luôn ở giữa dân (Lều Hội Ngộ luôn ở trung tâm lều trại Ít-ra-en), đồng hành và dẫn đường cho dân (thứ tự đi đường).

Bố cục

Chúng ta có thể chia sách Dân số làm ba phần chính:

A. Chuẩn bị đặc biệt về cuộc xuất quân tham gia thánh chiến (1,1 – 10,10)

I. Kiểm tra dân số (ch. 1 – 4)

Kiểm tra dân số để nhập ngũ (ch. 1)
Thứ tự đóng trại (ch. 2)
Vai trò đặc biệt của các thầy Lê-vi (ch. 3)
Luật cho các thầy Lê-vi khi mang Hòm Bia (ch. 4)

II. Các thứ luật lệ (ch. 5 – 6)

Luật thanh tẩy sau cuộc chiến (ch. 5)
Lời khấn na-dia (ch. 6)

III. Tế phẩm của những người đứng đầu các chi tộc và nghi thức tấn phong các thầy Lê-vi (ch. 7 – 8)

Hy lễ, lễ phẩm để rời trại (ch. 7)
Các thầy Lê-vi được xức dầu để phục vụ (ch. 8)

IV. Lễ Vượt Qua và cuộc lên đường (ch. 9 – 10)

Cử hành lễ Vượt Qua, nhổ trại (ch. 9)
Kèn thổi lệnh khởi hành (ch. 10)
B. Hành trình qua sa mạc, thử thách quyền lãnh đạo của ông Mô-sê (10,11 – 20,13)
Thứ tự chiến đấu: Hòm Bia đi đầu (ch. 10)

V. Những chặng đường trong sa mạc (ch. 11 – 14)

Hai cuộc nổi loạn (ch. 11)
Bà Mi-ri-am và ông A-ha-ron chống ông Mô-sê (ch. 12)
Do thám Đất Hứa (ch. 13)
Dân phản kháng chiếm Đất Hứa (ch. 14)

VI. Luật lệ về hiến tế – Quyền hành của các thầy tư tế và các thầy Lê-vi (ch. 15 – 20)

Luật lệ sở hữu đất (ch. 15)
Cuộc nổi loạn của một số Lê-vi chống ông A-ha-ron (ch. 16)
Củng cố quyền hành của ông A-ha-ron (ch. 17)
Phần dành riêng cho các Lê-vi và tư tế (ch. 18)
Xá tội ô uế (ch. 19)
Than vãn về nước (ch. 20)
C. Những chỉ dẫn sau cùng và đóng trại chuẩn bị tiến vào Đất Hứa (20,14 – 36,13)

VII. Từ Ca-đê tới Mô-áp (ch. 20 – 25)

Qua xứ Ê-đôm; ông A-ha-ron chết (ch. 20)
Càng thắng, càng kêu ca (ch. 21)
Bi-lơ-am thử chặn đường Ít-ra-en (ch. 22 – 24)
Dân bỏ Thiên Chúa ở Ba-an Pơ-o (ch. 25)

VIII. Quy định mới (ch. 26 – 30)

Kiểm tra dân số (ch. 26)
Các luật về thừa kế, khấn và thờ phượng (ch. 27 – 30)

IX. Phân chia chiến lợi phẩm và đất đai (ch. 31 – 36)

Quân Ma-đi-an bại trận (ch. 31)
Chinh phục phía đông sông Gio-đan của hai chi tộc rưỡi (ch. 32)
Những chặng đường biên giới (ch. 33 – 34)
Các thành và luật đặc biệt dành cho Lê-vi (ch. 35)
Luật thừa kế – Kết luận (ch. 36)

Đạo lý

Sách Dân số liên hệ chặt chẽ với các sách Xuất hành và Lê-vi về nguồn văn, về xuất xứ và sự hình thành. Cả ba sách đều có những quan niệm thần học giống nhau, thể hiện qua những biến cố lịch sử và luật lệ. Trong giai đoạn lịch sử này, chúng ta thấy Thiên Chúa toàn năng luôn hỗ trợ ông Mô-sê trong mọi hoàn cảnh khó khăn (x. Lv 11,23; Xh 6,6; 14,31). Thiên Chúa hiện diện ở trong Lều Hội Ngộ đòi hỏi dân phải tinh sạch và thánh thiện (x. Ds 5,3; Lv 15,31; 16,16). Quyền tối thượng của Thiên Chúa thánh hoá luật pháp đưa dân Ít-ra-en tới lý tưởng tôn giáo cao nhất (x. Ds 15,40.41; Lv 19,1.36-37).

1. Thiên Chúa

Đức Chúa phán với ông Mô-sê. Công thức này được lặp lại nhiều lần trong sách Dân số, mỗi khi Thiên Chúa ra chỉ thị hoặc mệnh lệnh cho ông Mô-sê. Điều này chứng tỏ lịch sử dân Thiên Chúa tuyển chọn diễn tiến với sự lãnh đạo của Đức Chúa. Hơn nữa, đó cũng là niềm xác tín của các tác giả các truyền thống tôn giáo và là giáo huấn rút ra từ các trình thuật của các ông.

Đức Chúa hiện diện qua các dấu hiệu đám mây, Hòm Bia (10,33-35), hay tỏ hiện vinh quang của Người. Sự hiện diện ấy rất gần gũi dân, không xa cách dân bao giờ. Đức Chúa hiện diện để hành động trợ giúp dân, khi dân biết đói biết khát (11,4 tt; 20,5; 21,5), bị rắn lửa cắn chết (21,6), hoặc bị những kẻ nổi loạn xúi bẩy đưa dân đến chỗ bị trừng phạt (14,4; 16,3). Đức Chúa ở với con cái Ít-ra-en (14,43), chiến thắng kẻ thù: dân Ca-na-an cũng như dân E-mô-ri (21,1-3.21-35). Để dân khỏi bị lây nhiễm các dân tộc, Đức Chúa ra lệnh tiêu diệt dân Ma-đi-an (31), triệt hạ những nơi cao của Ca-na-an (33,52). Ba-lác muốn nguyền rủa Ít-ra-en nhờ Bi-lơ-am, thế mà nhà chiêm tinh này chỉ biết chúc phúc cho dân (23,24; 24,5-6; 24,17-19).

Nhưng lịch sử quang vinh này chắc chắn có bóng đen: đó là Ít-ra-en thất trung, nổi loạn và bị trừng phạt. Thiên Chúa nâng đỡ dân trong mọi hoàn cảnh và dẫn đưa họ tới đất tuôn chảy sữa và mật (13,27). Từng bước, con cái Ít-ra-en cứng đầu nổi loạn: họ nuối tiếc của ăn xứ Ai-cập và muốn trở lại đó tìm; họ thử thách quyền hành của ông Mô-sê và ông A-ha-ron; họ còn thờ ngẫu tượng và làm điều đàng điếm ngay trước khi vào Đất Hứa (14,11-12), lúc ấy ông Mô-sê khẩn cầu Thiên Chúa (14,17-19). Ít-ra-en phạm tội, Thiên Chúa giáng phạt, ông Mô-sê hoặc ông A-ha-ron chuyển cầu, dân hối hận và trở lại với Chúa: Đó là trình thuật suốt cuộc hành trình lâu dài trong sa mạc. Đức Chúa tỏ ra nhân hậu khi phán với ông Mô-sê (x. 14,20; 11; 12; 13 – 14; 16,1 – 17,15; 20,2-13; 21,4-9; 25).

2. Ông Mô-sê

Hình ảnh ông Mô-sê đầy dẫy trong sách Dân số, bởi vì ông đã gắn liền với nguồn gốc và vận mệnh của dân Ít-ra-en. Chính Đức Chúa đã đặt ông làm người giải phóng dân được tuyển chọn. Nhờ Đức Chúa nâng đỡ, ông tiếp tục nhiệm vụ làm thủ lãnh và làm nhà lập pháp. Một lời ca tụng xứng đáng nhất dành cho ông: Ông Mô-sê là người hiền lành nhất đời (12,3). Ông giữ vị thế đặc biệt và quyền bính của mình:

Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Mô-sê, tôi tớ Ta, thì khác: Tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa nó được ngắm nhìn, vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Mô-sê, tôi tớ Ta? (12,6-8).

Ông Mô-sê luôn luôn phải giáp mặt với những vi phạm mệnh lệnh Đức Chúa nơi dân Ít-ra-en, với những lời than trách kêu ca nổi loạn của họ gây nên bao khốn khổ (14,41-42; 11,1.4-6; 12,1-2.9-15; 14,1-4.10; 16,1-2.12-14; 20,3; 21,4-6). Trong sự yếu đuối của một con người, ông đã nổi giận (16,15); ông đau khổ đến mức tuyệt vọng, cảm thấy gánh rất nặng phải mang nơi mình, chỉ một thân một mình, cái dân cứng đầu cứng cổ này, mà đó lại là dân của Đức Chúa (11,10-15). Tuy nhiên, do ơn gọi, ông đã tự nguyện sống vô vị lợi (16,15), và mỗi lần ông đến chuyển cầu lên Thiên Chúa để van xin cho những kẻ tội lỗi (11,2; 12,13; 14,13-19; 21,7). Ông cũng ước mong: Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ (11,29).

Tuy nhiên, vị trung gian giữa Đức Chúa và dân của Người sẽ không được vào Đất Hứa vì một lỗi lầm: thiếu lòng tin (20,12-13; 27,12-14). Nhưng ông đã kịp thời cho các chi tộc Rưu-vên, Gát và Mơ-na-se định cư trên các phần đất đã chiếm được bên bờ đông sông Gio-đan, và ông thấy trước cuộc chinh phục đất Ca-na-an (32). Theo ông Mô-sê, các chi tộc Ít-ra-en phải tồn tại như một dân tộc, phải chiếm hữu đất đai, cũng như phải có một tổ chức xét như một quốc gia có chủ quyền, có luật pháp và nền phụng tự. Ông Giô-suê sẽ là người kế vị ông Mô-sê lãnh đạo dân (27,15-23). Chính bộ luật tư tế đã phác hoạ những tổ chức chính trị, tôn giáo cho Ít-ra-en. Trong sách Dân số, ông Mô-sê giữ một vai trò đặc biệt có ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn hình thành lịch sử Ít-ra-en, về nhiều phương diện: chính trị, tôn giáo, xã hội và quân sự.

3. Dân

Các chi tộc di dân từ Ai-cập đến Xi-nai đã có một tổ chức xã hội và chính trị mang dấu ấn tôn giáo rõ rệt. Cuộc kiểm tra dân số (1 – 4) cho thấy tổng số đoàn quân Ít-ra-en và số các thầy Lê-vi. Tại cánh đồng Mô-áp, một lần nữa cuộc kiểm tra dân số ghi nhận những người được vào Đất Hứa (26). Tất cả đều phải theo một thứ tự nghiêm nhặt: các tế phẩm của những người đứng đầu các chi tộc (7) cũng như vị trí của các chi tộc khi đóng trại và di chuyển (2), phải tuân theo dấu hiệu cột mây của Đức Chúa (9,15-23), bởi vì đời sống của Ít-ra-en diễn ra chung quanh Nhà Tạm của Đức Chúa, Nhà Tạm luôn ở trung tâm doanh trại.

Từ khi Lều Hội Ngộ được dựng lên và cột mây che phủ lều (Xh 40,2-17.34-35; Ds 9,15), Đức Chúa ở giữa dân Người (5,3). Chung quanh Nơi Thánh, và ở những chỗ được chỉ định rõ rệt, các chi tộc dựng lều (2). Sự hiện diện của Đức Chúa đòi hòi dân sống thánh thiện, dân làm thành một hình ảnh về cộng đồng tôn giáo. Từ nay tất cả sinh hoạt của dân đều được thực hiện theo các chỉ dẫn của Thiên Chúa. Ông Mô-sê gặp gỡ Thiên Chúa trong Lều Hội Ngộ (7,89). Tại đây, ông nhận cho cộng đồng những mệnh lệnh chi phối đời sống trong doanh trại (5 – 6), những mệnh lệnh phân chia đất đai và chiến lợi phẩm khi dự cuộc thánh chiến (31), hoặc sau cùng khi chiếm được Ca-na-an (33,50 – 35,8), những chỉ thị xác định quy chế đàn bà con gái được thừa kế (30; 27,1-11; 36), quy chế về các thành trú ẩn (35,8; v.v.). Vào những dịp trọng đại, để củng cố quyền bính của những người đứng đầu, Vinh quang của Đức Chúa tỏ hiện (14,10; 16,19; 17,7). Khi đến giờ khởi hành vào Đất Hứa, toàn dân đi diễu hành, một cuộc diễu hành tôn giáo, theo dấu hiệu cột mây và Hòm Bia (10,11-28.33-36).

Chung quanh Lều Hội Ngộ và các dụng cụ, đời sống phụng tự nói riêng diễn ra với các hy lễ, các buổi họp phụng vụ, nghĩa là các lễ tôn giáo được cử hành vào những thời điểm được ấn định rõ ràng suốt cả năm (15; 28,1 – 30,1). Sách Dân số nói đến ngày sóc tức ngày mồng một của tháng (28,11-15) và hy lễ thường nhật (28,3-8) mà sách Xh 29,38-42 đã quy định (x. Lv 6,1-6). Chỉ các tư tế và các Lê-vi có quyền đến gần Nhà Lều để thi hành việc phục vụ. Như thế, từ lâu người ta đã quy định quy chế và nhiệm vụ của các tư tế và của các Lê-vi (3 – 4; 8,5-26; 17,27 – 18,32; 19). Vai trò của ông A-ha-ron được nổi bật (14,2; 20,2-12). Đặc ân dành cho ông và các người nhà của ông được bảo đảm chắc chắn, chống lại cuộc nổi loạn của Cô-rắc, Đa-than và A-vi-ram (16,1 – 17,26). Con ông là E-la-da, kế vị ông trong tư cách là thượng tế, sẽ độc quyền nắm quyền lực của chức tư tế mà trước đây các ông A-ha-ron và Mô-sê cùng chia sẻ (20,22-29). Quả thật, ông Giô-suê thừa kế ông Mô-sê lãnh đạo chính trị dân chúng, nhưng lại phải dưới quyền thượng tế E-la-da; ông E-la-da cho ông Giô-suê biết ý định của Thiên Chúa về Ít-ra-en (27,18-21).

Trong sa mạc, dân Ít-ra-en trở thành dân thánh của Đức Chúa nhờ các luật lệ và quy định Đức Chúa truyền ban.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ