DẪN NHẬP SÁCH LÊ-VI

Tựa đề

Trong bộ Sách Thánh Híp-ri, sách này mang tựa đề “wayyiqürä’” (“Và Người gọi”) theo chữ đầu tiên, như lệ chung dân Do-thái. “Sách Lê-vi” trong tiếng Việt là dịch theo bản Hy-lạp, căn cứ trên nội dung của sách. Thật ra thì các thầy Lê-vi chỉ xuất hiện ở 25,32-34 thôi; nhưng chủ đề của sách là chức tư tế do chi tộc Lê-vi độc quyền đảm trách. Trong các bản dịch thời nay, cũng có những bản mang tựa đề “Sách về các tư tế (Híp-ri)”.

Nội dung

Là một tác phẩm chủ yếu về luật phụng tự nên sách Lê-vi có tới 85% các mệnh lệnh Đức Chúa truyền cho ông Mô-sê, cho các tư tế, hoặc cho toàn thể Ít-ra-en. Ngoài ra là các trình thuật và các lời giới thiệu mệnh lệnh của Đức Chúa bằng công thức “Đức Chúa phán với…” (37 lần).

Sau đây là những điểm chính của sách:
I. Nghi thức các lễ tế (ch. 1 – 7 )
II. Lễ tấn phong tư tế (ch. 8 – 10)
III. Luật về cái sạch và cái dơ (ch. 11 – 16)
IV. Luật về sự thánh thiện (ch. 17 – 26)
V. Phụ chương về giá biểu cho lời khấn (ch. 27)

Về hy lễ, sách chỉ quy định các nghi thức phải cử hành, chứ không cho biết nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các nghi thức ấy. Tuy nhiên, nhờ có những ám chỉ và những so sánh, ta cũng biết được rằng Ít-ra-en đã vay mượn của các tôn giáo Đông Phương cổ xưa nguyên tắc về hy lễ và đã lồng vào đó ý nghĩa mới, phù hợp với niềm tin và sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa. Chương 16 có thể coi là trọng tâm của sách phần nào, vì miêu tả nghi lễ trang nghiêm của “Ngày Xá Tội” quy mô.

Việc sáng tác và giọng văn Lê-vi

Dưới hình thức hiện nay và như là quy điển thì sách Lê-vi đã được biên soạn sau lưu đày do các tư tế Giê-ru-sa-lem. Vào thời mà vua không còn nữa, trong khi trào lưu ngôn sứ cũng mờ dần, thì thế giá hàng tư tế ngày càng dâng cao. Để phục vụ Đền Thờ thứ hai (xây năm 520-515 tCN), các người này đã sưu tầm và gom lại thành một khối tương đối mạch lạc, nhiều yếu tố phụng tự có nguồn gốc khác nhau, trong đó có những điều đã thuộc các thời rất xa xưa rồi. Ngoài ra, các vị còn bổ sung thêm nhiều điều mới về luật lệ cũng như về nghi thức.

Vì tính cách tư tế của toàn bộ bản văn Lê-vi như vậy, nên sách này thuần nhất về giọng văn hơn hai cuốn Xuất hành và Dân số. Văn pháp luật dĩ nhiên là nặng nề và khô khan, chứ không bay bướm được; nó đòi hỏi trước tiên phải chính xác, với những công thức rõ ràng, một ngữ vựng có tính kỹ thuật. Dẫu sao thì trong một vài lãnh vực riêng biệt (ví dụ: như về động vật ở ch. 11 chẳng hạn), từ ngữ của Lê-vi đã tỏ ra chẳng nghèo nàn chút nào.

Sứ điệp của sách Lê-vi

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê trên đỉnh núi. Giờ đây trong sách Lê-vi, Người nói với ông nơi Lều Hội Ngộ (Lv 1,1). Quả thế, Lều Hội Ngộ được nói đến trên 40 lần. Đấy hẳn không phải là một điều ngẫu nhiên; chắc là tác giả muốn cho người dân Ít-ra-en hiểu họ phải có thái độ thế nào để lều ấy thật sự trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác: nhờ phụng tự, người Ít-ra-en phải thật sự hiệp thông với Thiên Chúa của mình.

Trong nền phụng tự này, vai trò trung gian của hàng tư tế nổi rõ, trung gian duy nhất và bó buộc, giữa Thiên Chúa và dân. Không có tư tế, mối liên lạc với Thiên Chúa bị cắt đứt. Chỉ mình tư tế được vào Lều Hội Ngộ, mình ông được dâng hy lễ cho Thiên Chúa trên bàn thờ, mình ông được thực hiện một số nghi thức và công bố lời tha tội, xác định tình trạng sạch hay không sạch của người ta và của lễ vật, và sau cùng mình ông có quyền đưa ra giáo huấn thích hợp về các luật tôn giáo và luân lý.

Sau này, trong Tân Ước, khi gọi Đức Giê-su là Thượng Tế, tác giả thư Híp-ri cho ta hiểu rằng sách Lê-vi đã báo trước điều đó: vị trung gian duy nhất, không có không được, chính là Đức Giê-su, qua Người Thiên Chúa ban cho nhân loại ơn tha thứ và sự sống (x. Hr 9,11-12.25-28; 10,19-22; v.v.).

Như thế sách Lê-vi nhắc cho các tín hữu mọi nơi mọi lúc nhớ rằng sự hiệp thông với Thiên Chúa chân thật là một nhu cầu sống còn đối với con người.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ