DẪN NHẬP SÁCH GIÔ-SUÊ
Tên cuốn sách
Cuốn sách này mang tên “yühôšuª`”, phiên âm thành “Giơ-hô-su-a”. Từ Híp-ri do hai chữ ghép lại (yhwh và yüšû`â) có nghĩa: “Đức Chúa là ơn cứu độ.” Giơ-hô-su-a, tên riêng của một nhân vật nổi tiếng, được Ngũ Thư đề cập tới nhiều lần. Nhân vật này, con ông Nun, thuộc chi tộc Ép-ra-im (Ds 13,8.16), đóng vai trò người phụ tá của ông Mô-sê (Xh 24,13; 33,11; x. Gs 1,1). Quân đội Ít-ra-en do ông chỉ huy đã chiến thắng dân du mục A-ma-lếch (Xh 17,8-16). Ông Mô-sê cùng lên núi Xi-nai với ông để nhận từ Thiên Chúa những bia đá ghi luật và mệnh lệnh của Người (Xh 24,12-13). Ông Giô-suê cũng ở trên núi với ông Mô-sê, khi ông này từ đó mà xuống, mang theo hai tấm bia Chứng Ước, rồi ném các tấm bia đó và đập vỡ dưới chân núi, lúc thấy dân thờ bê bằng vàng (Xh 32,15-19). Để đi do thám đất Ca-na-an, mỗi chi tộc gửi một người đại diện (Ds 13,2). Chính ông Giô-suê được đề cử thay mặt chi tộc Ép-ra-im đi lo công việc này (Ds 13,8). Trước khi lên đường, ông đã được ông Mô-sê cho một tên mới: yühôšuª` thay thế tên cũ là hôšëª` (Ds 13,8.16). Sau cuộc thăm dò, hai ông Ca-lếp và Giô-suê đều lên tiếng chống lại những người phản đối ông Mô-sê về dự án chiếm Đất Hứa (Ds 14,6-9). Sau này, vì được Thiên Chúa chỉ định làm người lãnh đạo cộng đồng và lãnh nhận một phần uy quyền của ông Mô-sê với tư cách là người kế vị (Ds 27,15-23), ông Giô-suê đứng lên hướng dẫn chỉ huy con cái Ít-ra-en, sau khi ông Mô-sê qua đời (Đnl 34,9).
Nội dung cuốn sách
Cuốn sách thực sự mở đầu với lệnh Thiên Chúa truyền cho ông Giô-suê phải đưa dân Ít-ra-en qua sông Gio-đan vào Ca-na-an, đất Người đã hứa ban cho tổ tiên của họ (1,2-5).
Sau giai đoạn chuẩn bị (1,1 – 2,24), phần I liên quan đến việc chiếm Đất Hứa (1,1 – 12,24) nói về các chiến thắng trong những cuộc hành quân : qua sông Gio-đan (3,1 – 5,12); đánh chiếm các thành miền Trung Pa-lét-tin: Giê-ri-khô (5,13 – 7,26), Ai (8,1-29); tấn công và chiếm hữu miền Nam: Mác-kê-đa, Líp-na, La-khít, Éc-lon, Khép-rôn, Đơ-via, miền Ne-ghép… (10,1-43); chinh phục miền Bắc: Mê-rôm, Kha-xo… (11,1-23).
Phân chia đất đai cho các chi tộc (13,1 – 21,45) là nội dung của phần II. Chương 13 nói đến việc chia đất cho các chi tộc bên kia sông Gio-đan (ở phía đông): Rưu-vên, Gát và nửa chi tộc Mơ-na-se. Công cuộc phân chia đất đai cho các chi tộc ở phía tây sông Gio-đan (14 – 19) được tổ chức theo hai giai đoạn: 1. ở Ghin-gan (14,6): các chi tộc Giu-đa, Ép-ra-im và nửa chi tộc Mơ-na-se (15 – 17); 2. ở Si-lô (18,1): bảy chi tộc khác (Ben-gia-min, Si-mê-ôn, Dơ-vu-lun, Ít-xa-kha, A-se, Náp-ta-li, và Đan) (18 – 19).
Phần III liên quan đến giai đoạn cuối đời ông Giô-suê (22,1 – 24,33): các chi tộc bên kia sông Gio-đan trở về phần đất của họ, sau khi đã giúp các chi tộc khác đánh chiếm miền Tây sông Gio-đan (22,1-34); diễn từ của ông Giô-suê ngỏ với toàn thể Ít-ra-en (23,1-16); đại hội Si-khem (24,1-28): diễn từ của ông Giô-suê (cc. 2-15), cuộc đối thoại giữa ông Giô-suê và dân (cc. 16-24), ký kết giao ước (cc. 25-27).
Cuốn sách kết thúc với một đoạn ngắn về cái chết của ông Giô-suê và tư tế E-la-da (24,29-33).
“Lục thư”?
Đệ nhị luật là cuốn sau hết của Ngũ Thư. Theo một số học giả, Đnl cũng được nối kết với phần kế tiếp; phần này gồm có Gs, Tl, 1 và 2 Sm, 1 và 2 V. Những sách này được gọi là “các ngôn sứ trước” đối với người Do-thái, “các sách lịch sử” (phần đầu) đối với các Ki-tô hữu. Sự nối kết này dựa vào Đnl 34,9 (ông Mô-sê đặt tay trên ông Giô-suê; x. Ds 27,18-23) và Gs 1,1tt (sau khi ông Mô-sê qua đời, ông Giô-suê thay thế ông lên lãnh đạo dân). Ngoài ra, ảnh hưởng của truyền thống đệ nhị luật (D) đối với Gs là một sự kiện khá rõ. Vì thế, có vài chuyên viên về Cựu Ước ghép Gs vào Ngũ Thư và coi sáu tác phẩm đó như một tổng thể gọi là “Lục Thư” (= Hexateuque).
“Lịch sử đệ nhị luật”
Vài học giả thời hiện đại đưa ra một giả thuyết theo đó Đnl là cuốn sách bắt đầu trình bày một lịch sử tôn giáo từ từ diễn ra cho đến hết cuốn thứ hai sách các Vua. Trước năm 1942, các nhà bình luận chỉ thấy vài dấu vết của Đnl trong sáu cuốn từ Gs cho đến 2 V. Các dấu vết ấy là những chỗ mà một soạn giả chịu ảnh hưởng của Đnl đã sửa sơ qua. Tình hình đó thay đổi hẳn, khi ông Martin Noth trình bày một cái nhìn mới về vấn đề đó ngày mồng 8 tháng 7 năm 1942 trước Viện Hàn Lâm ở Košnigsberg. Theo ông Martin Noth, những nhân vật viết ra bảy cuốn nói trên (Đnl, Gs, Tl, 1 và 2 Sm, 1 và 2 V) không phải là các soạn giả thường, nhưng là các tác giả thực thụ; ngoài ra, sáu cuốn sau không thể được coi như những cuốn biệt lập với nhau, mà chính là những thành phần của một tổng thể hữu cơ có Đnl làm phần nhập đề. Đó là như một tác phẩm duy nhất do nhiều tác giả thuộc một trường phái soạn thảo. Nhóm tác giả này gồm những nhân vật thấm nhuần tinh thần của Đnl (X. Libri storici của A. Rolla trong La Bibbia I, Antico Testamento, Edizioni Paoline, Torino, 1991, tr. 572; x. Joshua của Robert G. Boling, The Anchor Bible, Doubleday and Company, New York, 3rd Printing, 1988, tr. 41).
Độc giả có thể nhận thấy: một số đoạn thuộc Gs 1 và Gs 22 – 24, chịu ảnh hưởng của Đnl khá nhiều (x. Dẫn nhập vào Gs (ở dưới): Tiến trình hình thành của Gs III). Tuy nhiên, cần chú tâm đến hai điểm sau đây (x. La Bible de Jérusalem, Cerf, Paris, 1998, tr. 302): 1. Khi soạn thảo, các tác giả thuộc trào lưu Đnl sử dụng những truyền khẩu hoặc văn kiện khác nhau về số năm hay về những nét riêng biệt; những truyền khẩu hoặc văn kiện đó, hợp thành nhiều đơn vị, đã được sửa chữa cách không đồng đều; do đó, chúng ta hiểu tại sao mỗi cuốn hoặc những đoạn lớn trong các cuốn đều mang những nét cá thể. 2. Những cuốn sách này đã không được soạn thảo cách liên tục một lần hay trong một thời gian ngắn; mỗi sách đều mang những dấu vết của các lần xuất bản khác nhau.
Thể văn
Có thể nói rằng về thể văn, Gs thuộc loại sách lịch sử với những đặc điểm và giới hạn sau đây (Edouard Lipinùski, Dictionnaire Encyclopédique de la Bible, art. Etiologie, Brépols, Turnhout, 1987, tr. 444-445): 1. Có những trình thuật mang tính cách tầm nguyên nhằm cắt nghĩa một hiện trạng là hiệu quả của một hay những biến cố xảy ra trong quá khứ, ví dụ 4,1-3.8.9b: về 12 tảng đá ở giữa lòng sông Gio-đan; 7,24-26: về đống đá lớn ở cánh đồng A-kho; 8,29: về đống đá lớn ở Ai… Cũng có vài trình thuật mang tính cách tầm nguyên với từ dấu (´ôt) hoặc với câu hỏi – câu trả lời, nhằm cho biết ý nghĩa thâm sâu của một nghi thức, một hiện tượng, một công trình kỷ niệm hay nghệ thuật…: 4,6-9: về nguồn gốc của 12 tảng đá ở giữa lòng sông Gio-đan; 40,20-23: về 12 tảng đá lấy từ sông Gio-đan ở Ghin-gan. Còn có những trình thuật nhắm mục tiêu cắt nghĩa nguồn gốc một tên riêng, một địa danh, chẳng hạn: 7,25-26: về nguồn gốc địa danh cánh đồng A-kho; 5,9: âm của địa danh Ghin-gan (Gil•Gäl) hơi giống Gallôtî (= Ta đã cất, đã lăn xa khỏi các ngươi) do động từ Gälal = lăn, cất (nghĩa bóng). 2. Vài trình thuật về các cuộc chiến mang những nét anh hùng ca, ví dụ: 10,12-14 … nhằm làm nổi bật những chiến thắng của dân tộc Ít-ra-en và ca ngợi dân tộc ấy. 3. Cuộc chiếm và chia Đất Hứa mang tính cách đơn giản hoá. Quả thật, cuộc chiếm đất được trình bày như một cuộc hành quân lớn do tất cả các chi tộc thực hiện cách nhanh chóng dưới quyền lãnh đạo của ông Giô-suê (x. 10,42). Việc phân chia đất đai được kể lại cách bình thản như một chuyện êm xuôi không có vấn đề. 4. Nhưng Tl 1 cho độc giả một cái nhìn về cuộc chiếm Đất Hứa khác với nhãn quan của Gs 1 – 10: theo Tl 1, chỉ có những hành động riêng lẻ của các chi tộc và thành quả không bao trùm toàn diện xứ sở. Ngoài ra, có những vùng đất đã không bao giờ thuộc Ít-ra-en: chẳng hạn, lãnh thổ của người Phi-li-tinh ở miền duyên hải phía nam và xứ Phê-ni-xi ở miền duyên hải phía bắc (x. La Bible de Jérusalem, Cerf, Paris, 1998: tr. 303; rồi chú thích a, tr. 328). Vì thế, độc giả có thể đoán rằng nhãn giới tôn giáo chi phối một phần các biến cố lịch sử (việc chiếm và chia Đất Hứa): Thiên Chúa đã can thiệp cách lạ lùng trong biến cố xuất hành, trong cuộc hành trình ở sa mạc và trong Giao Ước Xi-nai; Người vẫn còn tiếp tục làm những kỳ công, khi thực hiện lời hứa của Người trong công cuộc chiếm và chia Đất Hứa (x. La Bible de Jérusalem, Cerf, Paris, 1998, tr. 303).
Chiếm đất Ca-na-an
Theo Gs 10 và 11, dưới sự chỉ huy lãnh đạo của ông Giô-suê, chống lại các dân địa phương định cư tại Ca-na-an, các chi tộc đã chiếm cách tương đối dễ dàng miền Nam, rồi miền Bắc Pa-lét-tin. Nhưng vài đoạn trong Gs lại cho độc giả một cái nhìn khác: 13,1-6 (ông Giô-suê đã già nua, mà đất đai còn phải chiếm thì lại quá nhiều: x. c.1); 14,13 (ông Ca-lếp chiếm Khép-rôn: x. Tl 1,20); 15,15-17 (ông Ót-ni-ên chiếm thành Đơ-via: x. Tl 1,13); 17,12 (những người thuộc chi tộc Mơ-na-se đã không thể chiếm được các thành nói trong 17,11, và người Ca-na-an quyết ở lại trong xứ). Ngoài ra, Tl 1,21-34 nói đến những thất bại của các chi tộc: Ben-gia-min (c.21), Mơ-na-se (c.27), Ép-ra-im (cc. 28b-29), Dơ-vu-lun (c.30), A-se (c.31), Náp-ta-li (c.33) và Đan (c.34). Nói tóm, theo cái nhìn rút từ một số đoạn trong Gs nói trên (13,1-6; 14,13; 15,15-17; 17,12) và Tl 1,21-34, các chi tộc đã thực hiện những cuộc hành quân riêng lẻ, công việc chiếm đất Ca-na-an là một công trình khá chậm chạp và bất toàn. Chắc cái nhìn này thích hợp với lịch sử hơn là kiểu trình bày của Gs 10 – 11 mang tính cách sơ đồ.
Trong Tl 1,1 có ghi sau khi ông Giô-suê từ trần. Hình như cụm từ này không nằm đúng chỗ, vì ở Tl 2,8 mới nói đến cái chết của ông Giô-suê. Vả lại, những biến cố ghi trong Tl 1 đã xảy ra trong thời ông này còn sống (x. Gs 9-12). Theo một trong những kiểu giải thích (x. BJ 1998, Tl 1,1+), Tl 1,1-19 thuộc các truyền thống Gia-vít làm nổi bật vai trò của Giu-đa. Soạn giả viết bản văn đầu tiên của Gs đã không giữ lại những truyền thống đó, vì những truyền thống đó không thích hợp với dàn bài và đạo lý của cuốn sách. Rồi, một vài truyền thống nằm trong Gs 14 – 15 đã được soạn giả khác đem vào Gs trong phần soạn thảo lần thứ hai. Và để tránh sự mâu thuẫn với Gs, soạn giả của Tl 1,1-19 đã đặt các sự kiện đó sau cái chết của ông Giô-suê.
Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán cuộc chiếm đất Ca-na-an như sau. Những cuộc hành quân chiếm miền Nam khởi sự từ Ca-đê và Ne-ghép, đã được thực hiện do vài nhóm sau này sát nhập dần dần vào chi tộc Giu-đa, như nhóm ông Si-mê-ôn, nhóm ông Ca-lếp, con cái ông Kê-ni… Dưới quyền lãnh đạo của ông Giô-suê, các chi tộc Ép-ra-im, Mơ-na-se và Ben-gia-min vượt qua sông Gio-đan tiến vào miền Trung Pa-lét-tin. Tại miền Bắc, có các chi tộc Ít-xa-kha, Dơ-vu-lun, A-se, Náp-ta-li đã định cư ở đó một thời gian, vì không xuống Ai-cập. Ở Si-khem, các chi tộc này đã tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa của các chi tộc sống dưới quyền lãnh đạo của ông Giô-suê. Với thời gian, họ cũng nhận được phần đất riêng, sau khi chiến đấu chống lại các dân địa phương.
Nói chung, công cuộc chiếm Đất Hứa được thực hiện theo ba phương thức: nhờ những cuộc hành quân, nhờ việc thâm nhập êm thấm và nhờ những khế ước giao hảo với các dân địa phương. Đó là một công trình lâu dài. Vài đoạn trong sách Giô-suê cho thấy: có nơi và có lúc người địa phương (người Ca-na-an, người Giơ-vút) vẫn còn chung sống với người Ít-ra-en (x. Gs 15,63; 16,10; 17,12.18). Khi ông Giô-suê đã già nua tuổi tác, có rất nhiều phần đất còn nằm dưới quyền kiểm soát của dân địa phương (x. Gs 13,1-7;…). Đất Ca-na-an chỉ hoàn toàn thuộc về Ít-ra-en dưới thời vua Đa-vít vào thế kỷ thứ 10 tCN.
Thời gian chiếm đất Ca-na-an
Tác giả sách Giô-suê không chú tâm xác định thời gian dân Ít-ra-en chiếm đất Ca-na-an. Cuốn sách chỉ nhắm mục tiêu cho thấy: công cuộc chiếm Đất Hứa là ân huệ Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en.
Các tác giả không nhất trí với nhau về một niên biểu chính xác của biến cố xuất hành: giữa năm 1250 và năm 1230 (theo TOB, Wilfrid Harrington); vào năm 1250 hoặc ít lâu trước (theo BJ); dưới thời Pha-ra-ô Me-nép-ta (Meneptali hoặc Menneptah) (1225-1205) (theo A. Stellini, trong La Bibbia, Edizioni Paoline, Torino 1991); vào khoảng 1250-1200 (Osty). Như thế, theo các tác giả này, biến cố xuất hành có thể xảy ra giữa năm 1250 hoặc năm 1225 và năm 1205 hoặc 1200 tCN. Các học giả không đưa ra một niên biểu chính xác về thời gian chiếm Đất Hứa: giữa năm 1230 và năm 1220 (theo TOB); vào khoảng năm 1225 (theo BJ); trước năm 1200 (theo Osty) ; giữa hoặc cuối thế kỷ thứ 13 (A. Stellini). Do đó, thời gian chiếm Đất Hứa. có thể bắt đầu từ sau năm 1250 đến trước năm 1200 tCN.
Tiến trình hình thành của sách Giô-suê
Gs là một tổng hợp gồm hai khối chính (Gs 2 – 12 và Gs 13 – 21) với Gs 1 làm phần mở đầu và phần cuối (Gs 22 – 24); phần cuối này lại chia thành hai (Gs 22 – 23 và Gs 24). Mỗi khối và mỗi phần không phải là một cái gì thuần nhất, nhưng bao hàm một số đoạn phát xuất từ những nguồn khác nhau. Tuy gồm những khối, những phần và đoạn mang một nội dung hỗn tạp, Gs là một tác phẩm có sự duy nhất nhờ mục tiêu tác phẩm nhắm đến và thứ tự các biến cố xảy ra trong lịch sử do tác phẩm kể lại. Chúng ta cố gắng phân tích các khối và phần của Gs trong những điểm chính yếu để nắm được tiến trình hình thành của cuốn Sách Thánh này (Phân tích ở đây dựa vào La Bible de Jérusalem, Cerf, Paris, 1998, tr. 302-304; La Bible TOB, Cerf, Paris, 1994, tr. 424-425, E. Osty Joseph Trinquet, La Bible, Seuil, 1973, tr. 443-445).
I. Gs 2 – 12
Ở phần I này, một số học giả nhận thấy: trong Gs 2 – 9, có vài truyền thống thuộc các chi tộc miền Trung là Ben-gia-min và Ép-ra-im, liên quan tới đền thờ Ghin-gan và có lẽ ngay cả đến đền thờ Bết Ên. Hình như khối này được thu gom vào cuối thế kỷ thứ 10. Trong khối này, có vài trình thuật mang tính cách tầm nguyên (Gs 4,9.19-24; 5,9; 7,26…). Cũng có những sự kiện mặc hình thức phụng tự được liên kết với nhau: tác giả kể lại cuộc vượt qua sông Gio-đan với Hòm Bia (Gs 3 – 4) như một cuộc rước kiệu tiến vào Đất Hứa (x. La Bible TOB, Cerf, Paris, 1994, tr. 424; tr. 430 chú thích w; André Boudart, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, art. Josué, Brépols, 1987, tr. 686); rồi nghi thức cắt bì (Gs 5,2-9), lễ Vượt Qua (Gs 5,10-12). Nội dung của Gs 2 – 10 chính là cuộc đánh chiếm miền Trung đất Ca-na-an. Các trình thuật này khá dài và giàu chi tiết: sai người đi do thám Giê-ri-khô (2,1-24); qua sông Gio-đan (3,1 – 4,18); mưu của người Ghíp-ôn (9,3-27). Ngoài ra, trong Gs 2 – 10, còn có những trình thuật mang tính anh hùng ca: đánh chiếm Giê-ri-khô (6,1-27); đánh chiếm thành Ai (8,1-29); chiến trận tại Ghíp-ôn (10,1-15). Cuộc đánh chiếm miền Nam và miền Bắc được kể lại trong Gs 10,16 – 11,23). Những trình thuật trong cả đoạn này thường ngắn và sơ lược, như để bổ túc những trình thuật về cuộc đánh chiếm miền Trung: sự kiện xảy ra tại hang Mác-kê-đa (10,16-27); chiến thắng ở gần bờ suối Mê-rôm (11,1-9). Độc giả còn được đọc: những bản báo cáo tóm tắt về cuộc đánh chiếm các thành (10,28-39.40-43; 11,10-14); những kết luận (11,16-22), và tổng kết (12,1-6.7-24).
Độc giả tinh ý có thể nhận ra vài điểm về Gs 2 – 12 : các đoạn văn được xếp đặt kế tiếp nhau hơn là được tổ chức thành một câu truyện liên tục mang tính nhất quán, một vài đoạn như không nằm trong đúng mạch văn (ví dụ: 5,13-15; 8,30-35…) ; có những chú thích khá mơ hồ về thời gian: sau ba ngày (3,2; x. 2,16.22), khi ấy hay thuở ấy (5,2; 6,26; 11,10), bấy giờ (8,30; 10,12)… Như thế, có những truyền thống khác biệt trong Gs 1 – 12 được giữ lại mà không bị sửa đổi. Có lẽ, những truyền thống đó phát xuất từ một nguồn văn cổ xưa được coi như một “truyện tường thuật công cuộc chinh phục” đất Ca-na-an. Các trình thuật nằm trong tập “truyện” đó được truyền miệng lại trong dân gian nhằm ca ngợi cuộc tiến vào Đất Hứa như những sự tích anh hùng: những cuộc chiến tại địa phương, vài thành tích của các nhân vật được coi như những vị anh hùng… Có những trình thuật đã được viết lại, chẳng hạn: sách Người Công Chính (x. 10,13). Đền thờ tại Ghin-gan, một khi trở thành đền thờ của nhà vua (1 Sm 10,8; 11,14-15; 13,4.7; 15,12.21.33), có thể là nơi quy tụ những kỷ niệm, truyền khẩu và các văn kiện, tác phẩm thuộc loại đó. Sau khi các soạn giả sửa chữa hoặc bổ sung, tập “truyện tường thuật công cuộc chinh phục” đất Ca-na-an đã được ghép vào Gs trong phần 2 – 12.
II. Gs 12 – 31
1) Phần này nói nhiều đến các địa danh và lãnh thổ, gồm những yếu tố sau đây.
1. Hai đoạn văn chính đề cập tới vấn đề phân chia đất Ca-na-an: a) việc phân chia đất cho các chi tộc Giu-đa, Ép-ra-im và Mơ-na-se là nội dung của Gs 14 – 17; b) bảy chi tộc nhỏ còn lại lãnh nhận phần đất của mình; sự kiện này nằm trong \no Gs 18 – 19. Có lẽ danh sách các thành (chẳng hạn: danh sách các thành của chi tộc Giu-đa trong 15,21-63) đã được rút ra từ những văn kiện hành chính thời vương quyền (giữa thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 6 tCN).
2. Có những truyền thống riêng biệt được lưu giữ lại: truyền thống về con cái ông Ca-lếp (14,6-15 ; 15,13-19), về nhà Giu-se (17,14-18).
3. Vài đoạn văn được thêm vào sau. Chắc những đoạn văn kể sau đây có liên hệ với một vài đoạn trong Đnl và Ds về mặt văn chương: Gs 13,8-14 về vấn đề phân chia đất bên kia sông Gio-đan (so với Đnl 3,12-17 và Ds 32); Gs 20 về các thành trú ẩn (so với Đnl 19 và Ds 35,9 tt); Gs 21,1-8 về các thành của người Lê-vi (so với Ds 35,1-8).
2) Từ sự kiện vừa nói ở trên (1., 2., 3.), người ta dễ nghĩ đến giả thuyết theo đó những yếu tố đã thu gom nằm trong một “truyện tường thuật công cuộc phân chia Đất Hứa cho mười hai chi tộc”. Khác với “truyện tường thuật công cuộc chinh phục” đất Ca-na-an, truyện này có những điểm mới sau đây:
1. Thượng tế E-la-da và những người đứng đầu gia tộc (14,1; 19,51; 21,1) hoặc các thủ lãnh (17,4) cũng như tư tế Pin-khát (22,13.30.31.32) xuất hiện trong Gs 13 – 21; 2. Đền thờ Si-lô trở thành tụ điểm mới của cộng đồng Ít-ra-en (18,1; 19,51; x. 22,9.12); 3. Có mấy yếu tố khác biệt giữa hai truyện đó: a) Sau vài năm (14,7.10), con cái ông Ca-lếp chiến đấu cách riêng tư cho họ (14,6-15; 15,13-19), chứ không “cùng với toàn thể Ít-ra-en” (10,36.38) đi tấn công các thành; b) Khi ông Giô-suê lo công việc phân chia, đất đai phải chiếm còn quá nhiều (13,1), các dân thù địch cũng không phải là ít (13,6), khác nhiều với ý diễn tả trong 11,16-23; c) Quân của ông Giô-suê đã gặp nhiều thất bại (13,13; 15,63; 16,10; 17,12.16), chứ không chiến thắng dễ dàng, bách chiến bách thắng (10,33-35; x. 12,12).
III. Gs 1 và 22 – 24
Gs 2 – 12 và Gs 13 – 21 nằm giữa Gs 1 và Gs 22 – 24. Các diễn từ chiếm phần lớn trong phần đầu và phần cuối. Giữa hai phần này và Đnl, có một mối tương quan chặt chẽ trong các diễn từ về câu văn và ý tưởng theo ba chủ đề chính: 1) các chỉ thị về cuộc tiến vào đất Ca-na-an: Gs 1,2.6.11.14-15; 23,5 – Đnl 31,3-6.7-8.23…; 2) giáo huấn về sự trung thành tuân giữ lề luật: Gs 1,7.8; 22,3.5; 23,6.16 — Đnl 31,11-12.26; 32,46…; 3) giáo huấn về nhiệm vụ phải thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi: Gs 22,5.19; 23,7-8.16; 24,14-15.16.18.20-24 — Đnl 31,16-18.20… Ngoài ra, có hai điểm sau đây cho thấy rõ hơn mối tương quan đó: 1) Các chi tộc bên kia sông Gio-đan, Rưu-vên, Gát và một nửa chi tộc Mơ-na-se trở về phần đất của họ: Gs 1,12-15; 22,1-6 — Đnl 3,18-20; 2) Các chi tộc đó xây một bàn thờ trên bờ sông Gio-đan, đã gây phản ứng mạnh cho cộng đồng Ít-ra-en ở bên này sông (Gs 22,9-12); sự kiện đó gợi nhớ luật về đền thờ duy nhất ở Giê-ru-sa-lem (Đnl 12,5-11).
Như thế, chúng ta có thể nhận thấy: Đnl đã gây một ảnh hưởng không nhỏ đối với một số đoạn trong Gs 1 và Gs 22 – 24. Sự kiện đó xảy ra nhờ công việc soạn thảo của các soạn giả theo tinh thần Đệ nhị luật, tức là những tác giả thấm nhuần những ý tưởng, đạo lý và cách hành văn của Đnl. Ngoài Gs 1 và Gs 22 – 24, có lẽ còn thấy dấu vết của Đnl trong vài đoạn khác: 8,30-35; 10,25 (x. Đnl 3,21-22; 31,6-7); 10,29-40 (x. Đnl 2,33-34; 20,10-18); 11,10-14 (x. Đnl 3,33-34; 20,10-18); 12,2-3 (về các địa danh: x. Đnl 2,36-37; 3,12.16-17).
Từ những điểm nói trong Gs 2 – 12 và Gs 13 – 21, cũng như Gs 1 và 22 – 24, chúng ta có thể phác hoạ một giả thuyết về những giai đoạn chính yếu trong tiến trình soạn thảo Gs như sau: thu gom những trình thuật cổ xưa để viết ra “những truyện tường thuật công cuộc chinh phục” đất Ca-na-an và “những truyện tường thuật công cuộc phân chia Đất Hứa”; đưa vào đó những đoạn mới phát xuất từ các nguồn khác; thêm những yếu tố liên kết các đoạn lại với nhau; đặt các diễn từ theo thứ tự các biến cố đã xảy ra trong lịch sử (1; 2 – 12; 13 – 21; 22 – 23) nhằm diễn đạt đạo lý của tác phẩm; sau đó, một hoặc vài soạn giả thuộc trường phái Đệ nhị luật “đọc lại” tác phẩm, suy niệm về những biến cố thuộc thời chinh phục và phân chia Đất Hứa, rồi sửa chữa một số đoạn theo tinh thần và cách hành văn của Đnl; sau cùng, một hay vài soạn giả cũng thuộc trường phái Đệ nhị luật ghép Gs 24 vào phần cuối, sau khi đã sửa chữa, thêm bớt…
Thời kỳ soạn thảo
Thời kỳ soạn thảo Gs là một vấn đề rất khó xác định.
Có những tác giả không đề cập tới vấn đề này, có lẽ vì không thể đưa ra một niên đại dựa trên những nền tảng vững chắc. Truyền thống Do-thái và một vài nhân vật công nhận lập trường theo đó Gs đã được soạn thảo vào giai đoạn gần như đồng thời với thời ông Giô-suê (x. “Nouveau Commentaire Biblique”, Editions Emmaušs, Saint-Légier 1978, tr.241), vì những lý do sau đây: 1) Tác giả là như một chứng nhân trực tiếp chứng kiến một vài sự kiện. Ví dụ: Gs 5,6: Đức Chúa thề với họ là sẽ không cho họ thấy đất Người đã thề với cha ông họ là sẽ ban cho chúng ta đất tuôn chảy sữa và mật; 2) Tục lệ chất một đống đá lớn trên A-khan (7,26), trên vua thành Ai (8,29) thuộc một giai đoạn xa xưa trong lịch sử Ít-ra-en; 3) Thành ngữ cho đến ngày nay năng được sử dụng cũng như mạch văn cho thấy là đã có một thời gian trước đó. Ví dụ: Gs 15,63 chỉ thời gian trước vua Đa-vít (x. 2 Sm 5,6tt); Gs 16,10 chỉ thời gian trước vua Sa-lô-môn (x. 1 V 9,16); 4) Gs 11,22 nói đến người A-nác định cư ở Ga-da; Gát và Át-đốt là những thành sau này sẽ thuộc người Phi-li-tinh. Ngoài ra, không thấy người Phi-li-tinh nằm trong danh sách những cư dân trong xứ ghi ở Gs 12,8. Đó là những dấu cho thấy: người Phi-li-tinh chưa là một hiểm hoạ đối với Ít-ra-en (người Phi-li-tinh định cư tại miền duyên hải Pa-lét-tin sau năm 1200 tCN). Bốn lý do trên chưa có sức thuyết phục độc giả về lập trường mới trình bày. Soạn giả thuộc thời sau ông Giô-suê có thể nói về bản thân và người đồng thời (chúng ta trong Gs 5,6). Tục lệ chất một đống đá lớn trên một nhân vật đã xuất hiện vào một thời xa xưa. Thời xa xưa là một cái gì rất trống, không xác định. Thời gian trước vua Đa-vít (năm 1010 – khoảng năm 970) (x. Gs 16,10 và 2 Sm 5,6 tt), thời gian trước vua Sa-lô-môn (khoảng năm 970 – năm 931) (x. Gs 16,10 và 1 V 9,16) không nhất thiết chỉ giai đoạn ông Giô-suê chiếm Đất Hứa (sau năm 1250 đến trước năm 1200). Gs 11,22; 12,8 ám chỉ quãng thời gian trước khi người Phi-li-tinh đến định cư tại miền duyên hải Pa-lét-tin (năm 1200 – khoảng năm 900), tức là trước năm 1200. Thời gian đó chưa hẳn là thời ông Giô-suê. Vì thế, khó có thể công nhận lập trường này được.
Vì không nắm được niên đại chính xác dựa trên nền tảng vững chắc, nên chỉ có thể đưa ra một vài điểm sau đây:
1. Sách Đệ nhị luật tìm thấy trong đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 622 dưới thời vua Giô-si-gia (640-609 tCN) (x. 2 V 22,3-10; 2 Sb 34,14-18). Sách này đã gây ảnh hưởng lớn trong các nhóm tôn giáo tại Ít-ra-en: công cuộc cải cách tôn giáo tại Giu-đa. Như thế, có lẽ Gs đã xuất hiện trong môi trường rất thuận lợi này, trong hoặc ít lâu sau giai đoạn này (tức là giữa thế kỷ thứ 7 tCN).
2. Công việc soạn thảo Gs hoàn tất trước hoặc trong lưu đày (587-538 tCN).
3. Sau đó, trong hoặc sau lưu đày, các soạn giả cuối cùng đã đọc lại, suy nghĩ thêm, sửa chữa, thêm bớt, rồi ghép vào đó trình thuật về đại hội Si-khem (24,1-28); nội dung của trình thuật này thuộc một truyền thống cổ xưa.
Bố cục
I. Chiếm Đất Hứa (Gs 1,1 – 12,24)
1. Chuẩn bị (1,1 – 2,24)
2. Qua sông Gio-đan (3,1 – 5,12)
3. Đánh chiếm Giê-ri-khô (5,13 – 7,26)
4. Đánh chiếm thành Ai (8,1-29)
5. Dâng hy lễ và đọc sách luật trên núi Ê-van (8,30-35)
6. Hiệp ước giữa Ít-ra-en và người Ghíp-ôn (9,1-27)
7. Liên minh năm vua E-mô-ri (10,1-5) và chiến trận tại Ghíp-ôn (10,6-15) Đánh chiếm miền Nam Pa-lét-tin (10,16-43)
8. Chinh phục miền Bắc (11,1-23)
9. Tổng kết (12,1-24)
II. Phân chia đất đai cho các chi tộc (Gs 13,1 – 21,45)
1. Mệnh lệnh của Thiên Chúa (13,1-7)
2. Các chi tộc bên kia sông Gio-đan (13,8-33)
3. Ba chi tộc lớn ở phía tây sông Gio-đan (14,1 – 17,18)
4. Bảy chi tộc khác (18,1 – 19,51)
5. Các thành đặc biệt (20,1 – 21,42)
6. Tổng kế về việc phân chia đất đai (21,43-45)
III. Cuối đời ông Giô-suê (Gs 22,1 – 24,33)
1. Các chi tộc bên kia sông Gio-đan trở về. Vấn đề bàn thờ của họ (22,1-34)
2. Diễn từ cuối cùng của ông Giô-suê (23,1-16)
3. Đại hội Si-khem (24,1-28)
4. Phụ lục (24,29-33)
Nhãn giới thần học
Đi ngược dòng thời gian, nhớ lại quá khứ trong lịch sử Ít-ra-en, tác giả muốn tường thuật những chiến công của dân Chúa nhằm ca tụng Thiên Chúa đã ban và thực hiện lời hứa của Người. Quả thật, trong quá khứ, Thiên Chúa ban lời hứa cho các tổ phụ (1,6; x. Đnl 1,8; 6,10.18.23; 8,1; 9,5; 10,11; 11,9.21) và ông Mô-sê (1,3) về phần đất dành cho dân Người (1,3.6.11; 13,15; 23,5.15; x. St 15,7.18-21; 26,2-5; 28,13; Đnl 1,8; 3,18; 6,10.18.23; 11,8-9.21). Nhưng Thiên Chúa đã chẳng nuốt lời, Thiên Chúa không chối bỏ lời hứa thuở xưa… Đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện điều Người hứa thời trước với các tổ phụ và ông Mô-sê (1,2.6.9), vì Người muốn tỏ mình ra là Đấng trung thành giữ lời đã hứa (11,23; 21,43-45; 23,14-15a). Lời hứa bắt đầu được thực hiện, khi cuộc chiếm Đất Hứa khởi sự dưới quyền lãnh đạo chỉ huy của ông Giô-suê. Dân Ít-ra-en qua sông Gio-đan, bước sang Đất Hứa để tham chiến. Thiên Chúa ở với ông Giô-suê (1,5.9; 6,27), chiến đấu cho dân (1,5; 6,2.4.6-9.11-13.16; 10,8.10.14.42; 23,3.10). Quả thật, Người dạy bảo họ phải dàn trận thế nào, tấn công làm sao, có chiến lược nào (4,10-24; 5,13 – 6,21; 8,1-2; 11,6). Người ra tay can thiệp để đưa Ít-ra-en tới chỗ giành được chiến thắng (10,8-11): làm cho các địch thù phải chạy tán loạn (10,10), bắt người Ca-na-an công nhận uy quyền của Người (2,10-11; 5,1 ; 9,9), nộp miền đất ấy vào tay Ít-ra-en (6,2.16; 8,1; 10,8; x. Đnl 31,5)… Như thế, cuộc chiếm Đất Hứa thực sự là một công trình của Thiên Chúa (24,11-13). Do đó, Đất Hứa được coi như một ân huệ Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en: Các ngươi đã qua sông Gio-đan và tới Giê-ri-khô. Những người làm chủ Giê-ri-khô giao chiến với các ngươi… Nhưng Ta đã nộp chúng vào tay các ngươi… Ta ban cho các ngươi đất (các) ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn (24,11.13). Cuộc chiếm Đất Hứa, cùng với việc phân chia đất đai cho các chi tộc, cho thấy rằng Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn trung tín, triệt để giữ lời hứa của Người như đã ghi trong 21,43-45: Đức Chúa đã ban cho Ít-ra-en toàn miền đất mà Người đã thề là sẽ ban cho cha ông họ. Họ đã chiếm được đất ấy và ở tại đó. Đức Chúa cho họ được thảnh thơi mọi bề, đúng như Người đã thề với cha ông họ. Trong số mọi địch thù, không ai chống nổi họ. Đức Chúa đã nộp mọi địch thù vào tay họ. Trong mọi lời tốt lành Đức Chúa đã phán với nhà Ít-ra-en, không một lời nào ra vô hiệu: mọi lời đều ứng nghiệm.
Ít-ra-en được hưởng những ân huệ đặc biệt đó, trong khi trung thành gắn bó với Thiên Chúa (23,8a). Thái độ trung thành của Thiên Chúa đòi hỏi sự trung thành của ông Giô-suê (1,6-8) và của dân Ít-ra-en: dân có nhiệm vụ tuân giữ, thực hành mệnh lệnh và Lề Luật mà ông Mô-sê đã truyền (22,5; 23,6), tức là không lui tới với dân ngoại (23,7.12b); không kêu tên các thần, không lấy tên các thần ấy mà thề, không phụng thờ chúng (23,7b); yêu mến Thiên Chúa, gắn bó với Người và phụng sự Người (22,5b; 23,8).
Thời ông Giô-suê nổi bật nhờ sự trung thành của chính ông Giô-suê (11,15) và của dân Ít-ra-en (24,31).
Trong quá trình soạn thảo sách Giô-suê, giai đoạn cuối cùng nằm trong hoặc sau thời lưu đày. Đó là lúc Ít-ra-en không còn ở trên mảnh đất tốt (23,13.16) nữa. Chắc hẳn Gs làm sáng tỏ những nguyên nhân đã tạo nên các tai hoạ mà Ít-ra-en phải chịu (x. Đnl 4,23-27; 11,16-17.28-29) và giúp cho một niềm hy vọng loé lên giữa bóng tối của thời lưu đày. Thái độ bất trung đã đưa Ít-ra-en đến thất bại. Tuy thế, những gì dân Chúa đã đánh mất vì tội bất trung, thì Thiên Chúa có thể cho lại, miễn là họ sám hối ăn năn, quay trở về với Thiên Chúa và trung thành giữ Giao Ước của Người (x. Đnl 4,29-31; 30,1-5.15-16.19b-20) như trong thời ông Giô-suê.
🌸 🌸 🌸