Bối cảnh lịch sử thời các thủ lãnh

Vào cuối tk XIII tCN, khi dân Ít-ra-en chiếm đất Ca-na-an và định cư tại đây, Ai-cập đã suy yếu, mặc dầu Ai-cập vẫn cho mình có quyền trên miền duyên hải Xy-ri. Tại Tiểu Á, đế quốc Hít-tít đã biến mất. Át-sua là một thế lực mạnh, nhưng đang trên đà xuống dốc. Triều vua Tích-lát Pi-le-xe I (1114-1076 tCN), nước này bừng dậy được một ít lâu rồi chìm lỉm ngót hai thế kỷ. Bên Lưỡng Hà Địa Thượng và Xy-ri, có một số nước nhỏ xuất hiện. Cho đến tk IX tCN, Ít-ra-en không bị một cường quốc nào tấn công. Mối đe doạ đầu tiên cho dân Ít-ra-en là dân Phi-li-tinh. Đây là dân từ ngoài biển khơi tràn vào xâm chiếm đất liền, vùng duyên hải phía nam đất Ca-na-an.

Tình hình chính trị vào đầu thời các thủ lãnh

1. Dân Ít-ra-en

Khi ông Giô-suê chết, Đất Hứa tức là Ca-na-an chưa được hoàn toàn chiếm cứ. Các kỳ mục kế tiếp ông Giô-suê đã không duy trì được nền thống nhất giữa các chi tộc; do đó không có quyền bính trung ương. Dân bản xứ còn chiếm nhiều cứ điểm quan trọng.

Thực tế, dân Ít-ra-en chỉ chiếm những miền cao nguyên. Còn đồng bằng thì thuộc quyền người Ca-na-an và Phi-li-tinh. Hai chi tộc Giu-đa và Si-mê-ôn được nhà Ca-lếp yểm trợ đã chiếm vùng Khép-rôn và Ne-ghép. Nhà Giu-se (chi tộc Ép-ra-im và chi tộc Mơ-na-se) chiếm miền trung, phía bắc Giê-ru-sa-lem. Hòm Bia Giao Ước được đặt tại thánh điện Si-lô thuộc đất Ép-ra-im.

Chẳng có chi tộc nào chiếm trọn lãnh thổ ông Giô-suê đã chia cho. Do đó, các chi tộc cạnh tranh nhau. Một số chi tộc bỏ phần đất của mình, di dân sang miền đất khác. Chi tộc Ép-ra-im lấn đất chi tộc Mơ-na-se. Chi tộc Mơ-na-se lại lấn về phía bắc đất chi tộc Ít-xa-kha và A-se. Chi tộc Đan lên thượng nguồn sông Gio-đan, chiếm Ai-gia-lôn và Bết Se-mét. Chỉ có hai chi tộc Si-mê-ôn và Giu-đa tạm ổn định, nhưng lại bị cô lập với các chi tộc phía bắc.

2. Dân Ca-na-an

Dân bản xứ không bị Ít-ra-en đánh bật khỏi đất đai họ đang sinh sống. Họ ở chen với dân Ít-ra-en, theo tính cách “da beo”. Họ chiếm vùng Ác-cô, Kha-rô-sét, Mơ-ghít-đô, Ta-nác và Bết San. Họ tách chi tộc Ép-ra-im khỏi các chi tộc phía bắc. Còn hai chi tộc Giu-đa và Si-mê-ôn phân cách với chi tộc Ben-gia-min và “nhà Giu-se” bởi Giê-ru-sa-lem, Ghe-de và các thành thuộc liên minh Ga-ba-on. Còn các chi tộc tại miền đông sông Gio-đan cách biệt với các chi tộc anh em bởi dòng sông Gio-đan và luôn phải phòng thủ chống lại các dân Am-mon và Mô-áp tấn công.

3. Dân Phi-li-tinh

Dân Phi-li-tinh từ vùng biển Ê-giê và đảo Kê-ta tới xâm chiếm miền Sơ-phê-la phía tây dãy núi Giu-đa và trong đồng bằng duyên hải phía nam Gia-phô. Người Phi-li-tinh tụ họp lại chiếm năm vùng: Ga-da, Át-cơ-lôn, Át-đốt, Éc-rôn và Gát. Mỗi vùng do một vương hầu cai trị. Năm vị vương hầu này làm thành hội đồng tối cao của dân Phi-li-tinh.
Quân đội Phi-li-tinh có tổ chức chu đáo, có chiến xa. Thời các thủ lãnh, họ luôn đe doạ dân Ít-ra-en.

4. Miền đông sông Gio-đan

Dân Ê-đôm chiếm thung lũng A-ra-va từ cực nam Biển Chết cho đến vịnh A-ca-ba. Dân Mô-áp ở phía đông bắc Biển Chết. Dân Am-mon ở phía đông bắc của dân Mô-áp. Còn dân Ít-ra-en thì chiếm Khét-bôn và Ba-san ở phía bắc.

Vị trí sách Thủ lãnh trong quy điển

Trong quy điển Kinh Thánh Híp-ri, sách Thủ lãnh được xếp vào loại “Ngôn sứ trước”, đối lại với “Ngôn sứ sau” (Is, Gr, Ed và 12 ngôn sứ nhỏ).

Còn trong quy điển Kinh Thánh Công Giáo, sách Thủ lãnh được xếp vào loại sách “Lịch Sử”.

Sách Thủ lãnh là một trong những sách liên quan đến thời kỳ từ sau khi ông Giô-suê chết cho đến vua Sa-un khởi đầu nền quân chủ. Thời kỳ chuyển tiếp này đầy nguy hiểm và bấp bênh. Sách Thủ lãnh là một sách lịch sử. Sách này nêu lên một câu hỏi: Làm sao Ít-ra-en tồn tại được mà không có người lãnh đạo tối cao? Nhưng chính sách Thủ lãnh tự trả lời: Ít-ra-en vẫn sống, mặc dầu không được khả quan. Biên giới và cửa ải luôn có những vấn đề liên hệ lớn lao đến chính trị và xã hội. Làm sao Ít-ra-en sống được với các nước lân cận dữ dằn như Phi-li-tinh ở phía tây, hay Ma-đi-an ở phía nam (các chương 2 – 3; 6 – 16)? Làm sao dân Ca-na-an đã định cư ở thành thị lại tấn công và xâm lược Ít-ra-en (ch. 1; 4 – 5)? Và làm sao các nhóm dân Ít-ra-en lại chống nhau: chi tộc này với chi tộc kia, thị tộc này với thị tộc nọ (17 – 21)? Những câu hỏi ấy chi phối khắp trình thuật trong sách Thủ lãnh.

Nguồn tài liệu

Sách Thủ lãnh (giống như St, Xh, Ds, Đnl, 1 và 2 Sm) có một ít câu thơ chen lẫn vào văn xuôi (thuật truyện). Phần văn xuôi khá phong phú, nhưng đôi chỗ lặp lại cho thấy có nhiều nguồn tài liệu đã được soạn giả đưa vào tác phẩm. Nhờ các bản dịch Hy-lạp cổ, người ta khám phá ra bản văn được sửa đổi và soạn lại.

Có vài đoạn văn thuộc sách Đnl và những sách khác của truyền thống Đệ Nhị Luật (Gs, 2 V) trình bày cách thuật truyện gợi cảm hơn, nhưng kém phần sư phạm hơn. Chuyện vua Éc-lon (ch. 3) sống động vì ông vua béo phệ đã bị một người Ít-ra-en mưu lược giết. Lặp lại ba lần trong các câu chuyện thần thoại và bình dân trong ngụ ngôn của ông Giô-tham (9,8.10.12), lời năn nỉ của Đa-li-la (16,6.10.13) và cuộc tàn sát người Ben-gia-min. Cũng như ở 1 Sm, lời đối thoại trong Tl có tính cách văn chương.

Một số đoạn văn là những câu chuyện có tính truy tìm nguồn gốc địa danh (1,17; x. Ds 21,1-3; Tl 2,5; 6,24; 15,17.19; 18,12), giải thích một ngày lễ hội (11,39-40). Hai giải thích địa danh đặc biệt gợi ý nơi đó còn được gọi cho đến ngày nay (6,24; 18,12).

Chỉ có hai bài thơ: ch. 5 và ch. 14 – 15. Bài ca của bà Đơ-vô-ra được coi là khó và cổ nhất trong Sách Thánh. Và 8 hàng thơ trong chuyện Sam-sôn được coi là cổ (14,14.18; 15,16). Có một đoạn văn, tưởng là thơ, kỳ thực chỉ là văn xuôi có nhịp điệu, quan trọng nhất là ngụ ngôn của ông Giô-tham (9,8-15).

Tường thuật xen kẽ chuyện dài vắn giữa các thủ lãnh cho thấy nét tương phản và do những nguồn khác nhau. Hôn nhân với ngoại bang của con cái ông Íp-xan (12,9) và của ông Sam-sôn (14 – 16) biểu thị việc thi hành lỏng lẻo các Lề Luật thời tôn giáo sa sút. Hai lời dẫn nhập (1,1 – 2,5 và 2,6 – 3,6) và hai phần phụ lục (17 – 18 và 19 – 21) chắc chắn được cung cấp từ những truyền thống khác nhau. Câu chuyện tội ác của Ghíp-a (19) và chuyện ông Gíp-tác sát tế con gái xem ra rất gần với chuyện Xơ-đôm (St 19) và chuyện hiến tế I-xa-ác của tổ phụ Áp-ra-ham.

Hình thành sách Thủ lãnh

Theo truyền thống Tan-mút, sách Thủ lãnh do ông Sa-mu-en là ngôn sứ và cũng là thủ lãnh cuối cùng soạn vào đầu triều vua Đa-vít, lúc mới lên ngôi.

Theo các nhà Kinh Thánh, sách Thủ lãnh được hình thành qua ba giai đoạn:

1. Khởi đầu và rất gần biến cố có nhiều truyền thống của các gia đình, các thị tộc và các chi tộc lưu truyền. Rồi các truyền thống này trong khi truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác đã gặp các truyền thống khác tương tự. Thế là các truyền thống cổ đã tự làm phong phú thêm hoặc nhờ các truyền thống khác bổ sung.

Từ rất sớm, và có lẽ vào tk XI tCN, các mảng truyền khẩu này đã được chuyển qua chữ viết, như bài ca của bà Đơ-vô-ra (ch. 15) đầy thi hứng khiến người đọc cảm thấy biến cố như mới xảy ra.

Một tuyển tập đầu tiên về mọi truyền thống truyền khẩu cũng như chữ viết liên hệ đến các chuyện ông Ê-hút, bà Đơ-vô-ra, ông Ghít-ôn (thuộc các chi tộc phía bắc). Sau đó người ta rà lại tất cả các thủ lãnh và bỏ chuyện thủ lãnh Bê-đan (1 Sm 12,11). Chuyện ông Ót-ni-ên được kể tóm tắt, chuyện A-vi-me-léc được thêm vào. Năm thủ lãnh được kể tóm tắt (10,1-5; 12,8-15) cùng với chuyện ông Gíp-tác và hầu như toàn câu chuyện ông Sam-sôn được thêm vào (thuộc các chi tộc miền nam).

Sau đó, phong trào tiền Đệ Nhị Luật đã hệ thống hoá các truyền thống lại. Tất cả là mười hai thủ lãnh, nhưng không phải mỗi chi tộc đều có một thủ lãnh. Kẻ thù tấn công tứ phía: từ phương bắc (A-ram: 3,8), từ phía đông nam (Mô-áp: 3,12), rồi trở lại phương bắc (Kha-xo: 4,2), từ phương nam (Ma-đi-an: 6,1), phương đông (Am-mon: 10,7) và sau cùng phương tây (Phi-li-tinh: 13,1).

2. Sau khi Sa-ma-ri thất thủ (721 tCN), vương quốc phía bắc chấm dứt. Thời vua Khít-ki-gia (716-687 tCN) là giai đoạn hoạt động văn chương mạnh mẽ (Cn 25,1). Do đó người ta tái bản tuyển tập và bổ sung thêm.

Dưới thời vua Giô-si-gia (641-609 tCN), sau khi công bố sách Đệ nhị luật (622 tCN), các soạn giả của truyền thống Đệ Nhị Luật đã thêm vào lời dẫn (2,6 – 3,6; nhất là 2,11-19), đã viết lại hay trau chuốt thêm những phần nối (3,7-10; 10,6-16; 13,1; 15,20; 16,1) bằng cách giới thiệu, mô tả và kết thúc cuộc đời các thủ lãnh, hệ thống hoá và tổng quát hoá sử biên niên bốn thế kỷ rưỡi được mô tả trong sách, thực ra chỉ dưới hai thế kỷ.

Trong thời kỳ lưu đày, các nhà xuất bản Đệ Nhị Luật đã thay đổi nhiều từ ngữ, sửa lại nhiều đoạn thuộc lịch sử trong sách Thủ lãnh.

3. Sau cùng, thời hậu lưu đày, các học giả hậu phong trào Đệ Nhị Luật thêm vào lời dẫn thứ nhất (1,1 – 2,5) để đánh tan sự gián đoạn giữa sách Giô-suê và Tl 2,6, đồng thời thêm hai phụ lục (17 – 18 và 19 – 21) làm gián đoạn Tl 16,21 với 1 Sm 1,1. Tài liệu được thêm vào có thể có nguồn gốc trước thời lưu đày và có thể cổ hơn nữa; bởi vì các chương này nằm ngoài sự sắp xếp biên niên của phong trào Đệ Nhị Luật, nên các học giả coi là phụ lục. Những phần thêm này làm cho sách Thủ lãnh mất đi tính lịch sử. Chẳng hạn định vị trí của chi tộc Đan: trước hết ở nam (1,34), rồi bắc (5,17), lại ở nam (13,23; 18,2) sau cùng ở bắc (18,28).

Các thủ lãnh là ai?

Nếu cuộc xuất hành xảy ra khoảng 1250-1230 tCN, thì thời các thủ lãnh kéo dài khoảng 120 năm, nghĩa là khoảng 1220-1100 tCN.

Người ta phân chia các thủ lãnh làm hai hạng:

– Sáu thủ lãnh “lớn”: Ót-ni-ên, Ê-hút, Ba-rắc (với Đơ-vô-ra), Ghít-ôn, Gíp-tác và Sam-sôn.
– Sáu thủ lãnh “nhỏ”: Sam-ga, Tô-la, Gia-ia, Íp-xan, Ê-lôn và Áp-đôn.

Các thủ lãnh “lớn” là những anh hùng hào kiệt, là những nhà giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang. Họ là những nhà lãnh đạo có đoàn sủng, nói theo kiểu Tân Ước, lãnh đạo quân sự. Còn các thủ lãnh “nhỏ” chỉ là những nhà lãnh đạo theo pháp lý, công chức được tuyển chọn. Thực ra phân chia hai hạng thủ lãnh như thế là không đúng.

Theo từ ngữ, động từ “sâpatï” không phải chỉ có nghĩa thông thường là “xét xử” để thi hành quyền pháp lý, nhưng còn có nghĩa là “cai trị”. Các Sa-phi-tum ở Ma-ri và Súp-phe-te ở Các-tha-gô giống như các Sô-phét của Ít-ra-en, là những người cai trị, thi hành các bổn phận công dân khác nhau. Từ “sâpatï” không nói lên một hành động pháp lý của một viên chức ở toà án luật, nhưng là một sắc chỉ thuộc quyền pháp lý của một người kiểm soát xã hội, có trách nhiệm do quyền hành xã hội hay chính trị thích hợp.

Ít-ra-en thời sơ khai chỉ là nhóm người thiên về nông nghiệp, chưa được thành thị hoá. Đó là thời kỳ quá độ tiến tới nền quân chủ. Khi các chi tộc, thị tộc gặp khó khăn về xã hội và chính trị, các thủ lãnh đứng ra lãnh đạo dân trong một giai đoạn tạm thời, không có quyền thừa kế. Cái chết chấm dứt sứ mạng của họ.

Bố cục

A. Nhập đề (1,1 – 3,6)
1. Lời dẫn thứ nhất (1,1 – 2,5)
2. Lời dẫn thứ hai (2,6 – 3,6)

B. Sự tích các thủ lãnh (3,7 – 16,31)

1. Ông Ót-ni-ên (3,7-11)
2. Ông Ê-hút (3,12-30)
3. Ông Sam-ga (3,31)
4. Bà Đơ-vô-ra và ông Ba-rắc (4,1 – 5,31)
5. Ông Ghít-ôn và ông A-vi-me-léc (6,1 – 9,57)
6. Ông Tô-la (10,1-2)
7. Ông Gia-ia (10,3-5)
8. Ông Gíp-tác (10,6 – 12,7)
9. Ông Íp-xan (12,8-10)
10. Ông Ê-lôn (12,11-12)
11. Ông Áp-đôn (12,13-15)
12. Ông Sam-sôn (13,1 – 16,31)

C. Phụ lục (17 – 21)

1. Nhà thờ ông Mi-kha và nhà thờ họ Đan (17 – 18)
2. Tội ác của dân Ghíp-a (19 – 21)

Phân chia các thủ lãnh

Thủ lãnh – Thuộc chi tộc – Chống kẻ thù
Ót-ni-ên – Ca-lếp = Giu-đa – A-ram
Ê-hút – Ben-gia-min – Mô-áp
Sam-ga – Si-mê-ôn (?) – Phi-li-tinh
Đơ-vô-ra và Ba-rắc – Ít-xa-kha, Náp-ta-li – Ca-na-an
Ghít-ôn – Mơ-na-se – Ma-đi-an
Tô-la – Ít-xa-kha
Gia-ia – Ga-la-át
Gíp-tác – Ga-la-át – Am-mon
Íp-xan – Bê-lem
Ê-lôn – Dơ-vu-lun
Áp-đôn – Ép-ra-im
Sam-sôn – Đan – Phi-li-tinh

Đặc điểm

Tác giả sách Thủ lãnh đưa ra một khung duy nhất, một lược đồ chung áp dụng cho tất cả chuyện các thủ lãnh, bất luận thủ lãnh “lớn” hay thủ lãnh “nhỏ”. Đó là dụng ngữ “Tứ đề”. Mỗi chuyện thủ lãnh đều theo một bố cục: cuộc đời và công trạng của mỗi anh hùng hào kiệt là để cứu vãn tình hình đen tối do tội lỗi dân gây ra và hình phạt họ gánh chịu; một khi dân sám hối thì được trở về sống tình nghĩa với Đức Chúa. Lược đồ dụng ngữ “Tứ đề” như sau:

1. Tội lỗi

A. Dân Ít-ra-en làm điều dữ trái mắt Đức Chúa
A’. Họ bỏ Đức Chúa đi làm tôi các Ba-an và Át-tô-rét.

2. Trừng phạt

B. Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ
B’. Người đã trao họ vào tay… Người củng cố… để chống lại Ít-ra-en
B’’. Họ phải chịu đựng kẻ thù trong (?) năm.

3. Hối hận

C. Con cái Ít-ra-en kêu lên Đức Chúa.

4. Giải phóng

D. Đức Chúa cho xuất hiện một vị cứu tinh
D’. Kẻ thù bị hạ nhục dưới bàn tay Ít-ra-en
D’’. (X) làm thủ lãnh Ít-ra-en trong (?) năm
D’’’. Lãnh thổ được bình an.

Tầm quan trọng

1. Phương diện lịch sử

Người ta không thể tìm kiếm một trình thuật liên tục suốt một thế kỷ rưỡi (1200-1050), hay tìm được tấm bản đồ quốc gia về chính trị, kinh tế hay xã hội. Những khoảng cách bốn mươi hoặc tám mươi năm dưới thời các thủ lãnh không thể xác định được biên niên sử. Điều duy nhất là soạn giả sách Thủ lãnh không cung cấp cho chúng ta các tài liệu lịch sử. Mục đích của soạn giả rõ ràng là trình bày công trình của Đức Chúa, hay đúng hơn cho thấy Đức Chúa can thiệp để bênh vực dân. Tuy nhiên khi đọc cẩn thận các trình thuật, người ta có thể nắm được một số dữ kiện để phác hoạ bộ mặt thời đại các thủ lãnh. Trước hết các chi tộc định cư ở Pa-lét-tin tốt đẹp hay không mấy suông sẻ với nhau, nhưng có quan hệ tốt với dân Ca-na-an (Tl 2). Không có sự liên kết giữa các chi tộc. Mỗi chi tộc có đời sống riêng, không quan tâm đến tính tập thể. Dân có thể đi hành hương ở các nhà thờ Si-lô, Bết Ên, Ghin-gan, Mít-pa, nhưng khi gặp tai hoạ chung, thì lại chỉ thống nhất từng phần (5,14-18). Con cái Ít-ra-en có các kẻ thù là các dân lân bang: Ê-đôm, Mô-áp, Phi-li-tinh, Ma-đi-an và cả người Ca-na-an nữa. Các cuộc xâm chiếm của các dân chung quanh cũng như các tranh chấp giữa các chi tộc, thị tộc đưa đến tình trạng thiếu an ninh. Từ đó phát sinh và nuôi dưỡng ước vọng nơi dân một quyền bính mạnh mẽ để bảo đảm an ninh trật tự. Ông Ghít-ôn đã được đề nghị nhận quyền (8,22), nhưng ông từ chối (8,23). Và A-vi-me-léc, con ông, lại tự tôn làm vua (9,6). Khuynh hướng lập nền quân chủ này thất bại. Tác giả phần phụ lục là một người nồng nhiệt phò quân chủ đã nói đi nói lại: “Thời ấy Ít-ra-en không có vua” (x. 17,6; 18,1; 19,2; 21,25). Nhưng ít ra, sách Thủ lãnh cũng cho thấy Ít-ra-en tập tễnh học nền quân chủ. Giai đoạn chuyển tiếp này chìm lặng, nhưng là gạch nối quan trọng không thể thiếu giữa thời Giô-suê và thời Sa-un.

2. Phương diện văn chương

Ít-ra-en là một dân tộc biết kể truyện, và chưa bao giờ tài năng ấy lại nổi bật như các trình thuật được kể trong sách Thủ lãnh. Chuyện ông Ghít-ôn và ba trăm người đánh bại kẻ thù đông gấp bội (7,1-22). Chuyện ông Gíp-tác sát tế cô con gái độc nhất (11,34-37). Chuyện ông Sam-sôn không những khiến trẻ con mà cả người lớn cũng thích nghe (13 – 16). Trình thuật tội ác của Ghíp-a (19,22-26), ngụ ngôn của ông Giô-tham (9,8-15) và nhất là bài ca lừng danh của bà Đơ-vô-ra (5) đem lại nguồn hứng khởi bất tận cho thi ca.

3. Phương diện tôn giáo

Việc tế tự xem ra còn tự do, chưa được tập trung. Mỗi miền có thể dựng thánh điện, nhà thờ. Người cha gia đình chọn tư tế (17,2), chính người này thi hành nhiệm vụ tư tế. Tuy nhiên có những thánh điện lớn (Si-lô, Ghin-gan, Bết Ên, Mít-pa) dùng làm nơi hội họp và cầu nguyện trong trường hợp xảy ra biến cố quan trọng (20,1.23.26; 21,2), và có lẽ cũng là nơi để cử hành các ngày kỷ niệm hằng năm. Nói chung, dân còn gắn bó với Đức Chúa. Ngay từ khi đến đất Ca-na-an, dân Ít-ra-en đã biết đến các Ba-an, nghĩa là các thần về đất đai, cây cối và mưa gió, những thần bảo đảm hoa màu của đất (x. Hs 2,7). Và hình như việc thờ cúng các thần này rất tự nhiên. Cho nên dân Ít-ra-en không chối bỏ Đức Chúa là Thiên Chúa cao cả nhất, nhưng lại xa vời đối với họ. Bởi vậy họ tưởng họ có thể thực hành một vài nghi thức đối với các thần gần nhất và liên hệ đến cuộc sống nông nghiệp của họ mà không phản bội Thiên Chúa. Họ làm tôi các Ba-an và Át-tô-rét (2,13), mà lại quên rằng Thiên Chúa hay ghen (Xh 20,5; Đnl 4,24; Gs 24,19). Trường hợp điển hình là ông Ghít-ôn. Ông làm một ê-phốt và dựng tại thành mình. Tất cả người Ít-ra-en đến đó sụp lạy. Điều đó là một cạm bẫy cho ông Ghít-ôn và gia đình ông (8,27).

Chính tính ghen tuông của Thiên Chúa làm cho dân thất trung biết mình có tội mà trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa khiến những anh hùng nổi dậy để bảo vệ đức tin cho gia đình, cho gia tộc, thị tộc và chi tộc của họ. Thiên Chúa đã dùng thần khí của Người mà nâng đỡ các vị anh hùng để giải phóng dân Người; nhờ vậy, dân lại được sống yên hàn, hưởng phần tuyệt hảo Thiên Chúa đã dành cho. Như thế, mãi sau này dân Chúa vẫn gìn giữ kỷ niệm tốt đẹp về các vị anh hùng hào kiệt ấy; các chiến công của họ được thuật lại cách trịnh trọng và được thán phục (x. Is 9,3; 10,26; Tv 83,10.13). Sách Huấn ca (46,11-12) và thư Híp-ri (11,32-34) đã hết lời ca ngợi đức tin sáng ngời của các thủ lãnh.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ