DẪN NHẬP SÁCH XUẤT HÀNH

Tên sách và chủ đề

Đây là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư. Tựa đề “Xuất hành” được lấy từ bản dịch Hy-lạp (LXX) để diễn tả cuộc ra đi khỏi Ai-cập của con cái Ít-ra-en. Trong bộ Kinh Thánh Híp-ri, theo thói quen lấy những chữ đầu đặt tên cho sách, quyển này là “wü´ëllè šümôt”(“Và đây là các tên”).

Sách kể lịch sử dân Híp-ri từ khi ông Giu-se qua đời bên Ai-cập (1,6), cho tới lúc dựng Nhà Tạm dưới chân núi Xi-nai trong sa mạc, vào ngày mồng một tháng Giêng năm thứ hai, kể từ khi rời Ai-cập (40,2.17).

Với hai đề tài chính là: cuộc giải thoát khỏi Ai-cập(1,1 – 15,21) và việc lập Giao Ước tại Xi-nai(19,1– 40,38), được ráp lại với nhau bằng một đề tài thứ ba là cuộc hành trình trong sa mạc (15,22 – 18,27), sách Xuất hành đúng là “Tin Mừng của Cựu Ước”, như có người đã gọi. Quả thế, sách loan báo biến cố nòng cốt là việc Thiên Chúa “đến thăm” một nhóm dân thiểu số sống nheo nhóc khổ cực bên Ai-cập (4,31) để giải phóng họ, dẫn họ đến khung trời tự do, rồi kết nạp họ thành dân riêng của Người (19,4-6); như vậy Người giữ trọn lời hứa với tổ tiên của họ (3,15-17).

Biên soạn

Nhiều truyền thống khác nhau đan kết với nhau không thể phân biệt rạch ròi. Các truyền thống này thuật lại những biến cố đánh dấu những bước đầu của lịch sử dân Ít-ra-en. Tuy thế, tác phẩm vẫn có được sự thống nhất, bởi vì mục đích không nhằm ghi lại các sự kiện cho bằng nêu lên ý nghĩa của các sự kiện ấy.

Các biến cố này diễn ra vào tk XV hoặc XIII tCN.

Bố cục

I. Công cuộc giải thoát khỏi Ai-cập (1,1 – 15,20)
1. Dân Ít-ra-en bên Ai-cập (1,1-22)
2. Thời niên thiếu và ơn gọi của ông Mô-sê (2,1 – 7,7)
3. Các tai ương ở Ai-cập. Lễ Vượt Qua (7,8 – 13,16)
4. Ra khỏi Ai-cập (13,17 – 15,21)

II. Hành trình trong sa mạc (15,22 – 18,27)

III. Giao Ước Xi-nai (19,1 – 40,38)

1. Giao Ước và Mười Điều Răn (19,1 – 20,21)
2. Bộ luật Giao Ước (20,22 – 23,33)
3. Lập Giao Ước (24,1-18)
4. Chỉ thị về việc dựng nơi thánh (25,1 – 31,18)
5. Con bê bằng vàng. Tái lập Giao Ước (32,1 – 34,35)
6. Dựng Nơi Thánh (35,1 – 40,38)

Nội dung và ý nghĩa

Có thể ví sách Xuất hành như là giấy khai sinh của dân Ít-ra-en và là tấm gương để dân Thiên Chúa soi vào mà hiểu biết thân phận của mình. Để nắm để ý nghĩa của Xuất hành, thiết tưởng cần để ý tới mấy điều sau đây:

1. Biến cố cấu tạo nên dân tộc

Xuất hành là thời điểm mang một ý nghĩa độc đáo trong lịch sử Ít-ra-en, một biến cố nằm trên một bình diện riêng, khác hẳn các biến cố khác. Đây là biến cố tạo nên dân Thiên Chúa, mà trọng tâm là Giao Ước Xi-nai với cốt lõi là Mười Điều Răn. Với hình thức những hiệp ước giữa các ông chủ với các chư hầu ở Đông Phương vào thiên niên kỷ II tCN, Giao Ước Xi-nai đặt nền cho những mối tương giao giữa Ít-ra-en và Thiên Chúa. Các ngôn sứ sau này thường nhìn lại Xuất hành như thời kỳ lý tưởng, thời đính hôn, thời của mối tình đầu. Những biến cố có tầm cỡ quan trọng đến mấy trong lịch sử sau đó của Ít-ra-en cũng không lấn át được Xuất hành. Trái lại, cuộc ra đi khỏi Ai-cập và thời rong ruổi trong sa mạc đã trở thành điểm quy chiếu cho nhiều định chế, nghi lễ và đạo lý, kể cả cho những niềm hy vọng lớn của dân tộc này. Tại sao họ lại có lễ Vượt Qua (12,26), lễ Bánh Không Men (12,39), tại sao phải dâng con đầu lòng (13,14-15)? Hoặc tại sao phải tôn trọng và trợ giúp “di dân” (22,20; 23,9), v.v.? Tất cả đều tìm thấy ý nghĩa trong Xuất hành.

2. Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Là ngày sinh của Ít-ra-en, Xuất hành ghi đậm dấu ấn thời kỳ gặp gỡ đặc biệt với Thiên Chúa. Bên trong những hiện tượng gọi là điềm thiêng dấu lạ(như “các tai ương” bên Ai-cập, “cuộc vượt qua Biển Đỏ”, v.v.) hiểu theo nghĩa bình dân của thời xưa, tàng ẩn những vấn đề cốt yếu liên quan tới lòng tin phôi thai của Ít-ra-en vào Thiên Chúa, lòng tin đã phải trải qua những thử thách cam go (17,7), kể cả những hoài nghi, do dự (4,1; 6,9; 14,10) và phản kháng về phía dân (14,11; 16,3; 17,3; 32,1). Dầu sao thì, nhờ ông Mô-sê, họ cũng đã biết được Thiên Chúa họ phải tôn thờ, và Đấng đã lập Giao Ước với họ là ai (3,13-15). Kể từ đó lòng tin này, qua các thời đại kế tiếp, ngày càng chín muồi theo đà suy tư và sống những kỷ niệm còn ghi chép trong sách này. Điển hình cho việc đức tin thời Xuất hành đã bén rễ sâu trong Ít-ra-en là kiểu nói “Đấng đã đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập” (x. 13,9-16; v.v.) như là một lời tuyên xưng đức tin, đồng thời như là một danh hiệu chính, một tên riêng của Thiên Chúa.

3. Tính hiện đại của Xuất hành

Đối với Ít-ra-en, việc bỏ Ai-cập ra đi không chỉ là biến cố lịch sử xảy ra trong quá khứ xa xưa, nhưng còn là một thực tại luôn sống động mà tiếng vang vẫn dội lại trong cuộc sống hằng ngày, nhất là qua phụng tự (x. Tv 95,7-8). Trong phụng vụ Ít-ra-en “tưởng niệm những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng từ bi nhân hậu” (Tv 111,4; x. Xh 34,6) là để được tham dự đầy đủ vào cuộc giải thoát và được hưởng giao ước đã được thiết lập tại Xi-nai. Sách Mishna ghi chú Xh 13,8 về nghi thức Vượt Qua như sau: “Ở mỗi thế hệ, ai cũng phải coi như chính mình đã bỏ Ai-cập ra đi”. Rồi trong những biến cố lớn, hoặc những cuộc khủng hoảng cộng đồng, người ta lại càng quyết liệt trở về nguồn của niềm tin là Xuất hành. Điển hình là cuộc hành trình lên núi Khô-rếp của ngôn sứ Ê-li-a (x. 1 V 19). Chính vì niềm tin ấy mà các ngôn sứ Giê-rê-mi-a (31,31-34) và Ê-dê-ki-en (16,59-63) đã mạnh dạn nói tới một giao ước mới, nhờ đó Xuất hành sẽ trở thành bất diệt; cũng theo chiều hướng đó, vị ngôn sứ vô danh thời lưu đày, quen gọi là I-sai-a đệ nhị đã tuyên bố thẳng rằng đã đến lúc cử hành một cuộc xuất hành mới (Is 43,16-21). Đây sẽ là một cuộc giải phóng kỳ diệu khỏi nơi lưu đày (Is 48,20-22; 49), mà hậu quả còn kỳ diệu hơn nhiều: đó là giải phóng khỏi tội lỗi (Is 40,2; 44,21-22). Vị ngôn sứ này còn kêu gọi mọi dân tộc hãy trở về với Đức Chúa để cũng được Người giải thoát như Ít-ra-en (Is 45,14-25).

4. Vai trò của ông Mô-sê

Khuôn mặt nổi bật trong sách Xuất hành là ông Mô-sê. Ông được chọn để làm người trung gian giữa Thiên Chúa với dân. Thiên Chúa cho ông được hưởng tình thân của Người. Chính ông là người dẫn dắt, tổ chức, lập những quy luật tiên khởi và tập cho dân sống Giao Ước. Ông Mô-sê là một trong những nhân vật lớn về chính trị và nhất là về tinh thần của Giao Ước và, chắc hẳn, của lịch sử thế giới nữa.

Sách Xuất hành và người tín hữu

Kinh Thánh mời gọi chúng ta không ngừng trở về với sách Xuất hành để suy niệm:

1. Cựu Ước. Các Thánh vịnh thường ám chỉ tới sách Xuất hành. Sách Đệ nhị luật (ch. 1 – 11) mở cho thấy ý nghĩa thiêng liêng của cuộc hành trình trong sa mạc. Phần II sách ngôn sứ I-sai-a (ch. 40 – 55) làm bật lên tiếng reo vui của Ít-ra-en, vì tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ lại thực hiện những kỳ công thời xuất hành khi dân từ nơi lưu đày trở về. Sách Khôn ngoan cũng có một phần suy niệm sâu xa về lịch sử này (ch. 10 – 19) và nhận thấy ở đó công trình do Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa thực hiện.

2. Tân Ước trình bày Đức Ki-tô là Mô-sê mới. Người dẫn đưa Hội Thánh, Dân mới của Thiên Chúa, vào Đất Hứa mới. Chính Người là Tảng Đá tuôn trào nước cho các tín hữu uống. Người là Nhà Tạm đích thực của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Người là con chiên Vượt Qua đem máu mình để chuộc nhân loại.

3. Người Ki-tô hữu, nhờ nước Bí tích Thánh Tẩy, đã được giải thoát khỏi ách nô lệ. Ơn này hoàn toàn do hảo ý của Thiên Chúa chứ không do công trạng của mình. Người tín hữu cũng bước đi trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh, tiến về vương quốc của Chúa Cha. Dù vẫn gặp thử thách và cám dỗ, nhưng đã có man-na là Thánh Thể nuôi dưỡng và đỡ nâng họ trên đường. Và giả như có vấp ngã, người tín hữu vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa của Giao Ước vẫn sãn sàng ban cho họ ơn tha thứ.

Có thể nói toàn thể hành trình thiêng liêng của người tín hữu cũng như của Hội Thánh đã được ghi trong sách Xuất hành.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ