DẪN NHẬP SÁCH SA-MU-EN

Hai sách Sa-mu-en là tác phẩm đặc biệt quan trọng trong phần “sách Lịch Sử” của bộ Kinh Thánh, vì nó ghi lại bước ngoặc “lịch sử” đã đưa dân Ít-ra-en lần bước từ cơ chế các thủ lãnh qua cơ chế các vua, với ba nhân vật nổi bật là ông Sa-mu-en, vua Sa-un và vua Đa-vít. Nhưng tác phẩm này đến tay chúng ta trong tình trạng rất xấu, đặt nhiều vấn đề về nguồn sử liệu, quá trình biên soạn, sự thật về các nhân vật cũng như cách đánh giá các nhân vật ấy.

Một cuộc thay đổi thể chế tất nhiên làm đảo lộn tình thế xã hội, tinh thần và tình cảm con người, do đó quá trình biên soạn hai sách Sa-mu-en mang dấu vết nhiều đợt “xét duyệt”. Đặc biệt quá trình này chiếm một thời gian dài, nên việc “xét duyệt” có một bề dầy đáng kể, thêm phần phức tạp. Nhưng chính nhờ bề dầy phong phú này mà tác phẩm có giá trị một chứng tích về một đặc điểm của suy tư Do-thái giáo: nhìn lịch sử của dân tộc mình qua mặc khải từ từ nhận được trong chiều dài kinh nghiệm sống, bằng cách lấy Lời được đón nhận trong đức tin làm sáng tỏ những lời được lãnh nhận qua các truyền thống dân tộc, để đến lượt chính những lời này trở thành của ăn nuôi dưỡng đức tin.

Tựa đề và vị trí trong các bản Kinh Thánh

Trong bản Híp-ri, 1 Sm và 2 Sm nguyên là một tác phẩm duy nhất, nằm trong khối các sách từ Giô-suê đến 2 V, mang tựa đề (sách) Các Ngôn Sứ Trước – còn sách Các Ngôn Sứ của quy điển công giáo thì mang tựa đề Các Ngôn Sứ Sau. Chỉ sau này, khoảng tk XV-XVI, bản Ma-xo-ra mới chia thành 1 Sm và 2 Sm như hiện nay. Sở dĩ khối Gs – 2 V mang tựa đề như trên là vì truyền thống Do-thái giáo cho rằng chính các “ngôn sứ” Giô-suê, Sa-mu-en và Giê-rê-mi-a, đã viết ra các sách ấy.

Trong LXX, hai sách Sa-mu-en và hai sách các Vua được gộp lại thành bộ (bốn) sách Các Triều Đại. Cũng thế, hai bản La-tinh cổ và Vulgata gộp bốn cuốn lại thành bộ sách Các Vua. Vậy “1 và 2 Sm” phải được đọc là “1 và 2 Triều Đại” khi dùng các bản Hy-lạp, và “1 và 2 Vua” khi dùng các bản La-tinh.

Vấn đề biên soạn

Hiện trạng các tài liệu trong M xuống cấp rất thảm hại. Việc bảo lưu không tốt, nên có nhiều khiếm khuyết. Việc sao chép cũng không trọn, để lại nhiều chỗ sai và thiếu, có khi cả đoạn dài. Lại có nhiều đoạn trùng lắp và mâu thuẫn nhau nữa. Vì thế đã phải dựa vào một số tài liệu khác để so sánh, bổ sung. Các tài liệu này chủ yếu là LXX (đặc biệt db LXX Lu-xi-an), các bản La-tinh, Xy-ri, tài liệu Cum-ran và Tác-gum. Ngoài ra, còn cầu cứu tác phẩm “Thời cổ đại Do-thái” của sử gia người gốc Do-thái Flavius Josèphe nữa.

Bản văn M tỏ ra là thành quả của nhiều đợt biên soạn. Đại đa số các nhà chú giải đương đại thừa nhận rằng có hai đợt chính cải biên các thành phần cổ xưa đã từng được lưu truyền trong dân, một số như những đơn vị độc lập. Như vậy có ba tầng tài liệu như sau:

1. Tầng tài liệu cổ xưa nhất, có thể gọi là nguyên thuỷ, gồm các truyện xuất phát từ dân gian, hoặc từ các trung tâm thờ phượng xa xưa, như đền Si-lô, Mít-pa, hoặc từ những “huyền thoại” kết tinh những tình cảm ngưỡng mộ của dân đối với các anh hùng đã giải phóng họ, những nhân vật nổi bật trong một vài trường hợp. Chủ yếu là ba chuỗi trình thuật:

a. Chuỗi trình thuật về Hòm Bia. Có những đoạn được dàn dựng theo khuôn khổ các tập tục cổ xưa của các dân tộc láng giềng: Hòm Bia tương tự các tượng thần linh, theo quân ra chiến trường, bị cướp đoạt hoặc hoàn trả tuỳ bên nào thắng bại, mang hoạ hay phúc đến nơi được đặt tuỳ tội phúc của người dân nơi ấy, v.v… Nhưng mục đích của soạn giả thu thập các mẩu chuyện ấy là cho thấy chính Đức Chúa của Ít-ra-en mới là vị thần linh nắm quyền điều khiển mọi sự trong các biến cố xảy ra cho Ít-ra-en (1 Sm 4 – 7). Có thể nhận ra khoảng thời gian Ít-ra-en bị khủng hoảng trong tình cảm tôn giáo của mình sau lần bại trận tại E-ven Ha E-de, và chỉ tạm chấm dứt vào thời Đa-vít “bách chiến bách thắng” (x. 1 Sm 7+). Ngoài yếu tố thánh chiến, còn có yếu tố đạo đức: Hòm Bia rời khỏi đền Si-lô vì các tư tế ở đó không trung thành (1 Sm 2,12-17.22-25); chỉ có ông Sa-mu-en là người trung tín có khả năng giục lòng dân ăn năn sám hối để xứng đáng rước Hòm Bia về với mình (1 Sm 7,1-4).

b. Chuỗi trình thuật về vua Sa-un, nói về ngày ra đời của Sa-un (nhưng phần này đã thất truyền, chỉ còn vài dấu vết, x. 1 Sm 20+; 9,2+); về chuyện mất lừa được kể như một truyện cổ tích dân gian (x. 1 Sm 9+); về chiến trận của ông thắng quân Am-mon (1 Sm 10,27b – 11,15); về các trận đánh của ông với quân Phi-li-tinh (1 Sm 13,2-7a.15b-23; 14,1-46 (thật ra nói về sự dũng cảm của Giô-na-than)). Nguồn gốc các đoạn này là ở phía Bắc, vào hậu bán tk IX tCN.

c. Chuỗi trình thuật về con đường thăng quang của Đa-vít (1 Sm 16,14 – 2 Sm 5): phần này không đồng bộ, cho phép nghĩ rằng có nhiều truyền thống đan kết vào nhau, nhưng có một ngòi bút kết phối và sáng tác lại, làm thành bản văn chúng ta có hiện nay. Mục đích của ông là cho thấy Đa-vít lên ngôi thay thế Sa-un là điều chính đáng. Nhưng văn phong của ông có chiều giữ thế thủ và có tính biện minh, nên đa số các nhà chú giải nghĩ rằng ông là người Giê-ru-sa-lem viết cho người không thuộc chi tộc Giu-đa, vào những năm tháng đầu sau khi vương quốc bị phân chia Bắc Nam. Nhưng bởi vì không thấy có đoạn nào bênh vực cho dòng dõi Đa-vít, nên còn có thể nghi rằng ông viết sớm hơn, dưới triều đại Đa-vít: lúc ấy, chưa có hướng suy tư thần học về lời hứa liên quan đến miêu duệ Đa-vít, như sẽ có dưới thời vua Sa-lô-môn. Nói rõ hơn, có thể ông soạn trong bối cảnh vua Đa-vít bị chống đối (2 Sm 16,5-14 : Sim-y nguyền rủa; 2 Sm 20,1-22 : Se-va làm loạn). Tư tưởng then chốt của ông để bênh vực Đa-vít là “Đức Chúa ở với vua” (1 Sm 16,18; 17,37; 18,14.28; 2 Sm 5,10).

Tuy chuỗi trình thuật cuối cùng này đã có một quá trình sáng tác, nhưng nhìn chung, cả ba đều được coi như là nguyên tác của người đồng thời, kể lại chuyện mắt thấy tai nghe. Bên trên tầng tài liệu này, có một tầng lớp biên soạn đến chỉnh lý, thêm vào những nét chấm phá để cường điệu, làm nổi bật một hướng nhìn có một chủ đích nhứt định, phát xuất từ một truyền thống rõ rệt.

2. Truyền thống ngôn sứ. Đợt biên soạn này lấy hoạt động của ông Sa-mu-en làm thành phần chủ đạo. Nhiều nhà chuyên môn nhận ra đây là công trình của một tác giả miền Bắc, được tiến hành sau khi vương quốc miền Bắc đã sụp đổ (cuối tk VIII tCN). Ông thu thập những suy tư của các nhóm phái miền Bắc đã di dời xuống miền Nam và đặt niềm hy vọng vào vương quốc Giu-đa để củng cố tương lai cho Ít-ra-en. Nhiều chi tiết khác cũng cho phép nghĩ rằng công trình này được thực hiện trước khi đến lượt vương quốc Giu-đa sụp đổ, tức là trước thời lưu đày qua Ba-by-lon.

Theo truyền thống ngôn sứ, Ít-ra-en là dân Đức Chúa đã chọn riêng cho mình, vì vậy chỉ có Đức Chúa là vị lãnh đạo duy nhất. Các ngôn sứ và thủ lãnh chỉ là những người được Thiên Chúa uỷ thác sứ mệnh dẫn dắt Ít-ra-en trên đường đời này thôi. Khi dân xin có một vua cai trị, chính Thiên Chúa cũng phải đành chiều theo họ. Vì vậy, soạn giả trình bày quá trình thiết lập nền quân chủ tại Ít-ra-en như một thứ nhượng bộ: ông Sa-mu-en bất đắc dĩ phong vương cho Sa-un; và câu chuyện vẫn theo tầm nhìn ngôn sứ: nếu có vua, thì ông này phải có một đường lối cai trị đặc biệt, với ngôn sứ bên cạnh mình để nhắc nhở ông cai trị theo ý định Đức Chúa. Do đó, công việc cải biên ở tầng lớp này có thêm những sửa chữa (x. 1 Sm 4,3+), những đoạn văn mới song song với những truyền thống khác ủng hộ chế độ quân chủ. Tác giả soạn lại các chuỗi trình thuật trên một cách có quy mô, theo hướng nhìn ngôn sứ, chủ yếu trong ba phần như sau:

a. Truyện ông Sa-mu-en (1 Sm 1 – 7) cho thấy một mình ông đủ sức lãnh đạo dân Chúa cách hữu hiệu. Để thuyết phục, tác giả đã dày công chỉnh lý các tài liệu nguyên thuỷ, như bốc những yếu tố tích cực trong huyền thoại Sa-un đem qua cho ông Sa-mu-en (x. 1,20+.27), cho đối lập Sa-mu-en và các con ông Ê-li (x. 2,11+), cường điệu vai trò của ông Sa-mu-en (x. 7,13+).

b. Truyện vua Sa-un (1 Sm 8 – 15) cho thấy đầu mối phát sinh chế độ quân chủ tại Ít-ra-en và sự tương tác vua – ngôn sứ. Phần chủ chốt nằm ở ch. 12: ông Sa-mu-en nhường chỗ cho vua Sa-un. Nhưng cuối cùng vua sẽ bị kết án vì không tuân theo lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ của Người (15,10-35; x. c.10+).

c. Trình thuật về bước thăng quang của Đa-vít (1 Sm 16 – 2 Sm 8) xoay quanh nhân vật Đa-vít, cho thấy chính ông này mới là người đẹp lòng Thiên Chúa, được chọn để lãnh đạo dân Người. Soạn giả làm nổi bật sự đối lập giữa Đa-vít ngày càng “lên hương” với Sa-un ngày càng “xuống dốc” một cách thật rõ nét: thần khí Thiên Chúa trước đây ở với vua Sa-un, giờ đây đã rời vua để ở với Đa-vít (1 Sm 19). Qua 2 Sm thì thấy hiện lên một thái độ có cảm tình hơn với chế độ quân chủ, một niềm tin tưởng vào tiền đồ của miêu duệ Đa-vít, đặc biệt với sự có mặt của ngôn sứ Na-than bên cạnh vua (x. 2 Sm 7,2+; 12,1+). Mặc dù vậy, đó đây vẫn xuất hiện một hai chi tiết ngụ ý chế độ quân chủ chỉ là một thực tại không thể tránh, chứ không được hoan nghênh.

Tầng cải biên này rất ăn khớp với tầng đến sau, làm thành một trang sử tương đối thống nhất, theo tinh thần của truyền thống đệ nhị luật.

3. Truyền thống đệ nhị luật đến xét duyệt các bản văn một lần cuối cùng, trong thời gian lưu đày, nhìn lại bước đường lịch sử Ít-ra-en đã đi qua dưới sự lãnh đạo của các vua. Tính nhất quán của bản văn rõ nét nhất trong phần nói về việc kế thừa ngôi vua (2 Sm 9 – 20), nhờ lời văn và bố cục có chất lượng cao, mặc dù các đoạn văn cho thấy dấu vết của nhiều khuynh hướng “chính trị” khác nhau đối với nhà Đa-vít và vị kế thừa là Sa-lô-môn. Có thể nhận ra các trọng tâm và lối hành văn dưới đây, là những đặc điểm của truyền thống đệ nhị luật:

– cường điệu những gì gợi nhớ lời Chúa (1 Sm 1,23; 15,22), danh Chúa (2 Sm 7,13), luật Chúa phải tuân giữ (1 Sm 13,13; 15,13-19);

– tập trung việc thờ phượng tại một đền thờ duy nhất: Đền thờ Giê-ru-sa-lem; do đó, có phần nào “giảm giá” tư tế các nơi khác (1 Sm 2,12tt; 2 Sm 8,1+);

– coi việc dân xin có một vua cai trị là một sự phản bội, tuy sau đó có sự nhân nhượng và những giải pháp bảo trì uy quyền của Chúa trong vương quốc (1 Sm 8 với các chú thích);

– cường điệu những gì liên quan đến các thành tích và bước thăng quang của Đa-vít (1 Sm 25,28-31), bằng cách miêu tả Đa-vít dưới những nét dễ mến (lòng trung hậu với Giô-na-than và vua Sa-un, với người con phản loạn Áp-sa-lôm và cả với kẻ thù Sim-y nữa). Đối với vua Sa-lô-môn, để cho thấy ông là người thừa kế hợp tình hợp lý, cũng có nghệ thuật “kiểm duyệt”: một cách trực tiếp qua bố cục (x. 2 Sm 9 với các chú thích), rồi một cách gián tiếp qua phần đề cập tới phản diện của ông là vị hoàng tử làm loạn, Áp-sa-lôm;

– những mốc thời gian ghi ai chết lúc nào, làm thủ lãnh / vua được bao lâu (1 Sm 5,18; 7,15-16; 13,1 …);

– những bài diễn từ giã biệt theo kiểu diễn từ ông Mô-sê trong Đnl (1 Sm 12, của ông Sa-mu-en, và 2 Sm 23, của vua Đa-vít).

Do những điểm đặc trưng trên, có thể nghĩ soạn giả cuối cùng theo truyền thống đệ nhị luật là các tư tế ở Giê-ru-sa-lem (x. 2 Sm 8+). Tuy vậy, các ông vẫn bảo lưu các trình thuật có ý hướng nghịch đã ra đời ngay dưới thời các vua Đa-vít và Sa-lô-môn, như thấy rõ ở 2 Sm 16 và trong phần phụ lục (x. 2 Sm 21+). Thật ra, chính sự căng thẳng giữa khuynh hướng bảo hoàng và không bảo hoàng ở đây, cũng như sự căng thẳng giữa những cặp thái cực khác đó đây trong bản văn, là “chất liệu” cho nghệ thuật (biện chứng) của tác phẩm, như sẽ thấy trong phần đạo lý dưới đây.

Đạo lý

1 và 2 Sm tường thuật một thời kỳ lịch sử của Ít-ra-en mang dấu ấn sâu đậm của một biến cố lớn: sự xuất hiện của chế độ quân chủ vào những năm 1010 tCN. Thời kỳ được tường thuật kéo dài từ khoảng 1040 (ông Sa-mu-en chào đời) đến khoảng 970 tCN (vua Đa-vít qua đời).

Tuy nhiên, cũng như các sách lịch sử khác trong Kinh Thánh, 1 và 2 Sm không phải thuần là sử biên niên của dân Thiên Chúa, mà trước hết là một cái nhìn đức tin và một cách trình bày giai đoạn lịch sử đang được kể theo nhãn quan đức tin ấy. Riêng cho 1 và 2 Sm, công việc soi xét và trình bày theo nhãn quan đức tin lại kéo dài gấp mấy lần thời gian được trình bày: từ những năm trai trẻ của ông Sa-mu-en đến (hết?) thời kỳ lưu đày (khoảng 550 tCN). Như vậy, sau khi đã chịu nhiều đợt soi xét (xem phần “vấn đề biên soạn”) trong thời gian năm thế kỷ, bản văn mang nặng những ý nghĩa nguyên thuỷ được bổ sung, cải chính, diễn giải, v.v., mà chúng ta có thể cô đúc lại như sau: 1 và 2 Sm cho toát ra những tâm trạng xâu xé, những tình trạng căng thẳng trong đời sống dân Ít-ra-en, được thể hiện rõ nét trong cuộc đời và vai trò của ba nhân vật chính: ông Sa-mu-en, vua Sa-un và vua Đa-vít, đứng trước nhân vật thứ tư là Đức Chúa.

Vì Đức Chúa là vị lãnh đạo tối cao của Ít-ra-en, mà ba nhân vật trên chỉ là người được uỷ thác quyền lãnh đạo dưới thế, nên căng thẳng nói ở đây là căng thẳng giữa:

tình trạng được Chúa chấp nhận hay loại bỏ,
trung tín và bất trung đối với Thiên Chúa và luật của Người,
lời hứa và sự thất vọng.
Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó qua ba gương mặt chủ đạo trong giai đoạn lịch sử này.

1. Ông Sa-mu-en. – 1 Sm mở đầu bằng trình thuật thời thơ ấu của ông Sa-mu-en, giới thiệu ông như là đứa con cầu tự, được thánh hiến cho Chúa trong đền thờ và được Chúa kêu gọi đích danh: đó là những yếu tố chung của nhiều ơn gọi thủ lãnh mà sách Thủ lãnh ghi chép. Bài trình thuật về ơn gọi của ông còn cho thấy ông sẽ là ngôn sứ, đem lời Thiên Chúa đến cho tư tế Ê-li, cũng như 1 Sm còn sẽ nêu rõ ông đóng vai trò ngôn sứ cho tới cuối đời, cả sau khi đã chết. Thời đó, quân Phi-li-tinh quấy nhiễu và xâm lược lãnh thổ Ít-ra-en, và chúng đang mạnh thế: chính nhờ ông Sa-mu-en đứng ra triệu tập dân, kêu gọi họ sám hối, cầu nguyện cho họ, mà Ít-ra-en được thắng trận. Vậy ông thật là vị thủ lãnh giải thoát Ít-ra-en khỏi quân thù, chuyển cầu cho dân chẳng khác nào ông Mô-sê.

Nỗi khổ tâm của ông là mặc dù được Thiên Chúa phù trợ nhãn tiền như thế, dân vẫn sợ quân thù, vẫn thấy cần phải có một ông vua dẫn đầu họ đi đánh giặc. Ông sẽ nghe lời Chúa nói rõ: “Không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua chúng.” Tuy nhiên ý Chúa lại muốn ông chiều lòng dân, phục vụ dân bằng cách đi phong vương cho người Chúa chọn làm vua là ông Sa-un, để rồi nhường chỗ cho người ấy trị dân. Nhưng ông cũng sẽ nếm nhiều cay đắng vì vua Sa-un lần hồi tỏ ra không biết tuân theo luật Chúa. Ông sẽ buồn sầu thấy Chúa loại bỏ vị vua tiên khởi này của Ít-ra-en. Chúa lại chọn Đa-vít, và một lần nữa, ông Sa-mu-en lên đường phong vương cho vua mới.

Vậy ông Sa-mu-en là thủ lãnh cuối cùng, tuy 1 Sm có chép các con ông làm “thủ lãnh nhỏ”, là một trong những ngôn sứ đầu tiên trong Ít-ra-en. Hơn nữa, ông là chứng nhân hàng đầu và có thể nói là “tác nhân” của việc thiết lập chế độ quân chủ tại Ít-ra-en.

2. Vua Sa-un. – Đây là một ông vua bất ngờ lên ngôi và bất ngờ bị phế. Một truyền thống kể là ông được Chúa chỉ định và ngôn sứ Sa-mu-en phong vương, một truyền thống khác lại nói dân tôn ông lên làm vua sau khi ông được thần khí đột nhập để dẫn quân chiến thắng quân thù: cả hai trường hợp đều cho thấy ông không hề được hỏi ý kiến và chuẩn bị để làm vua. Sau đó, ông đã ứng xử hết mình, theo lẽ thường tình một ông vua trần thế, khi buộc quân ăn chay để ra trận, khi tự tay tế lễ và khi giữ một phần chiến lợi phẩm (phần tốt nhất) để dâng cho Chúa. Nhưng những “lẽ thường tình” ấy lại không phù hợp với luật Chúa, nên ông bị Chúa “gạt bỏ”. Chính ông Sa-mu-en giải nghĩa những điều ấy cho ông. Nên chăng hiểu rằng do bị bỏ rơi, bị loại, mà ông nhuốm bệnh tâm thần? Ông sẽ đối xử với người hầu cận lúc đầu được chuộng, là Đa-vít, một cách bất thường và nguy hiểm: ông nhận ra Đa-vít là người được chọn trong khi ông bị bỏ, và thần khí tốt của Chúa đã rời ông để ở cùng Đa-vít. Đó là bi kịch đời ông, vị vua đầu tiên của dân Ít-ra-en.

Thật ra, 1 Sm khắc hoạ ông dưới những nét của một thủ lãnh giải thoát Ít-ra-en khỏi tay quân thù, của một tướng lãnh thạo nghề đánh giặc, hơn là của một ông vua giỏi cai trị dân. Ông vẫn trung thành và khiêm tốn tìm đến ngôn sứ Sa-mu-en để thỉnh ý Chúa, nhưng phản xạ đầu tiên của ông luôn là của một tướng lãnh binh hùng. Đa-vít khổ nhiều vì ông mà vẫn một lòng kính phục, sẽ ca tụng ông và các con ông như những vị anh hùng dân tộc (2 Sm 1).

Vậy gương mặt vua Sa-un đúng ra là của một thủ lãnh trong thời kỳ chuyển tiếp giữa thể chế thủ lãnh và thể chế quân chủ. Bi kịch của ông đưa ra bài học là phàm làm vua Ít-ra-en thì phải tuân theo luật của vị thủ lãnh đích thực của Ít-ra-en là chính Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en.

3. Vua Đa-vít. Ông là người sẽ kế vị vua Sa-un, kết thúc một tình trạng căng thẳng như một cuộc đọ sức giữa hai người. Nhưng cuộc đọ sức này không theo luật chơi của quyền lực trần thế: 1 và 2 Sm cho thấy Thiên Chúa là “vận động viên” chính, và sức lực ở đây là thần khí của Người.

Lần đầu tiên ông xuất hiện, có thể thấy nhiều nét ưu việt: ông là một đứa bé chăn chiên xinh xắn, con út của tám anh em, mang tên “Đa-vít” nghĩa là “yêu dấu”. Ông được “trời” phú tài nghệ gãy đàn, tài phóng đá khiến một mình ông hạ được tên khổng lồ Go-li-át, kẻ thù dân tộc. Được tiến cử vào hầu cận vua Sa-un, ông có bí quyết làm cho vua nguôi ngoai cơn bệnh trầm cảm. Nhưng cả hai đều ý thức mình nằm trong sự tác động của thần khí Chúa. “Thần khí tốt” đã rời vua Sa-un để vào hoạt động nơi Đa-vít, nhường chỗ cho “thần khí xấu” nơi vua. 1 Sm cho thấy tác động song song của thần khí. Nơi vua Sa-un sẽ là lòng ganh tị, mưu chước để hại Đa-vít; nơi Đa-vít sẽ là những cơ duyên thu hút mọi người: quần thần, thiếu nữ -trong đó có công chúa Mi-khan-, và nhất là thái tử Giô-na-than, người sẽ kết nghĩa với Đa-vít bằng một giao ước thiêng liêng, mà hai người sẽ giữ trọn vẹn suốt đời. Sâu xa hơn, Đa-vít rất giàu tình người và là bậc trung thần, trọng nhân nghĩa: bị vua bách hại mà vẫn một lòng tôn kính ; buộc phải lánh xa triều đình, lang thang trong sa mạc với thủ hạ như một tướng cướp, nhưng một lòng hiếu nghĩa với người dân thuộc lãnh thổ Giu-đa, đồng hương của mình; vua quân tử trận, ông thương khóc và để lại một áng văn chất chứa những tâm tình cao quý.

Sau khi lên ngôi, vua Đa-vít luôn thỉnh ý Chúa trong mọi việc, nghe theo lời các ngôn sứ mà Chúa sai đem lời Người đến với ông: ông thật là “người đẹp lòng Đức Chúa”. Chính ông được nhận lời hứa của Chúa: Chúa sẽ “lập cho ông một nhà” và “cho dòng dõi (ông) đứng lên kế vị”, cho “nhà của (ông), vương quyền và ngai vàng (ông) được vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,11.12.16). Một lời hứa như thế không làm cho vua Đa-vít kiêu ngạo, ngược lại, ông còn giữ thế nhu hơn bao giờ hết. Ông có lỗi, phạm tội trọng ư? Ngôn sứ Na-than chỉ có một lời là ông nhận tội, sám hối ăn năn. Ngay đối với kẻ phản loạn như Áp-sa-lôm và Sim-y, ông không “cương” chút nào, vẫn giữ thế nhu, vì ông hoàn toàn phó thác cho Chúa: Đây là thái độ ông đã chọn từ khi bị vua Sa-un truy nã. Ông lại còn biểu lộ một tình phụ tử bất diệt, khóc thương Áp-sa-lôm con mình như chưa từng thấy trong lịch sử có ông vua nào khóc thương đứa con âm mưu soán ngôi mình như thế. Trong tai hoạ, ông cũng hoàn toàn phó thác, nói lên một câu bất hủ: “Thà sa vào tay Đức Chúa hơn là sa vào tay người phàm, vì lòng thương của Người bao la” (2 Sm 24,14). Tâm tình này được giãi bày trong “Thánh vịnh” của ông (2 Sm 22). Cùng với văn tế vua Sa-un và ông Giô-na-than (2 Sm 1,17-27), đây là một mẩu thi ca đậm nét chân tình, đến đỗi mãi sau này, các tác giả thánh vịnh thường hay đề “thánh vịnh của vua Đa-vít” ở phần đầu, như thể núp bóng ông, mượn danh ông mà xuất trình tác phẩm của mình vậy. Đã sãn tài gãy đàn, lại thêm tài văn thơ thi phú, Đa-vít đã trở thành mô hình người nhạc sĩ thánh ca cho mọi thời.

Vậy theo 1 và 2 Sm, vua Đa-vít thật sự là một quân vương mẫu mực, xứng đáng là vị “cao tổ” của một triều đại được chúc phúc, mà chóp đỉnh sẽ là Đức Vua Mê-si-a, Đức Ki-tô của Thiên Chúa.

Bố cục

1 Sa-mu-en

I. Ông Sa-mu-en (1 – 7)

1. Thời thơ ấu của ông Sa-mu-en (1,1 – 4,1a)
2. Hòm Bia bị người Phi-li-tinh chiếm đoạt (4,1b – 7,17)

II. Ông Sa-mu-en và ông Sa-un (8 – 15)

1. Thiết lập chế độ quân chủ (8 – 12)
2. Những năm đầu của triều đại Sa-un (13 – 15)

III. Vua Sa-un và ông Đa-vít (16 – 2 Sm 1,27)

1. Ông Đa-vít trong triều đình (16,1 – 19,7)
2. Ông Đa-vít trốn đi (19,8 – 21,16)
3. Ông Đa-vít cầm đầu một bọn thủ hạ (22 – 26)
4. Ông Đa-vít đến với người Phi-li-tinh (27,1 – 2 Sm 1,27)

2 Sa-mu-en

IV. Vua Đa-vít (2 – 20)

1. Vua Đa-vít trị vì Giu-đa (2 – 4)
2. Vua Đa-vít trị vì Giu-đa và Ít-ra-en (5 – 8)
3. Gia đình vua Đa-vít. Việc kế thừa ngôi vua. (9 – 20)

A. Mơ-phi-bô-sét (9)
B. Chiến tranh với Am-mon. Vua Sa-lô-môn sinh ra. (10 – 12)
C. Truyện Áp-sa-lôm (13 – 20)

V. Phụ lục (21 – 24)

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ