DẪN NHẬP SÁCH RÚT
Vị trí sách Rút trong quy điển
Sách Rút là một trong những sách ngắn nhất của Cựu Ước. Gọi tên sách như thế, vì sách thuật chuyện nữ nhân vật chính, người Mô-áp, có tên này.
Trong Kinh Thánh Híp-ri, sách Rút được xếp vào loại “các tác phẩm”. Sách này đứng thứ hai trong năm Mơ-ghi-lốt (cuộn). Người ta đọc sách này vào lễ Ngũ Tuần.
Còn trong Kinh Thánh Hy-lạp (LXX) và La-tinh (PT), tác phẩm này được xếp vào loại sách Lịch Sử, liền ngay sau sách Thủ lãnh. Sở dĩ Kinh Thánh Hy-lạp xếp sau sách Thủ lãnh và trước sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, chính vì khởi đầu sách bằng cụm từ “Vào thời các thủ lãnh cai trị” và kết thúc sách bằng bản gia phả vua Đa-vít. “Đây là dòng dõi ông Pe-rét… ông Bô-át sinh ông Ô-vết; ông Ô-vết sinh ông Gie-sê; ông Gie-sê sinh vua Đa-vít.”
Sách Rút không thuộc công trình soạn thảo của phong trào Đệ Nhị Luật, bao gồm các sách Giô-suê, Thủ lãnh, 1,2 Sa-mu-en và 1,2 Vua.
Thời điểm soạn tác – soạn giả
Thời điểm soạn tác vẫn còn trong vòng tranh luận. Có người chủ trương sách được soạn trước thời lưu đày, viện dẫn nhiều lý do. Các phong tục có tính pháp lý được thuật trong sách (như quyền chuộc lại, hôn nhân dành cho anh em chồng) phản ánh một nền pháp lý có trước Đệ Nhị Luật. Các tên riêng gợi lên một nguồn gốc cổ xưa. Vì thế, sách Tan-mút dựa vào các từ đầu tiên trong sách gán cho ông Sa-mu-en.
Có người chủ trương sách được soạn sau thời lưu đày. Người ta dựa vào vị trí sách trong quy điển Kinh Thánh Híp-ri, được xếp vào loại “các tác phẩm”, ngôn ngữ được sử dụng trong sách, giáo thuyết về tính phổ quát, quan niệm thưởng phạt, ý nghĩa đau khổ, hôn nhân với người ngoại. Thời điểm thích hợp nhất có lẽ là thời Ét-ra và Nơ-khe-mi-a.
Tác giả hoàn toàn vô danh.
Mục đích
Tác giả sách Rút muốn trình bày nhân vật chính là cô Rút, một phụ nữ gốc dân ngoại, có một đức tin vững mạnh, đã hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa và đã chọn dân của Thiên Chúa làm dân của mình. Thiên Chúa đã thưởng công cho cô. Người là Đấng thương xót cả những phụ nữ gốc dân ngoại (R 2,12). Bàn tay Thiên Chúa quan phòng dẫn đưa đi khắp nẻo đường và một tinh thần phổ quát mà cuốn sách nêu lên, đó chính là mục đích của tác giả.
Loại văn
Tuy không phải là sách lịch sử, sách Rút đã nêu lên một số chi tiết lịch sử và địa lý, như: nạn đói và cuộc ra đi tìm đường sống nơi dân ngoại, xứ Mô-áp; mối liên hệ gia đình của vua Đa-vít với dân Mô-áp (x. 1 Sm 22,3-4); lập quyền bảo tồn, quyền thừa kế được các kỳ mục thảo luận ở cổng thành.
Sách Rút dùng loại văn chương trữ tình thuật lại cho chúng ta một câu chuyện tình rất đơn giản diễn ra với ba nhân vật chính: bà Na-o-mi, mẹ chồng lo lắng hạnh phúc cho các con dâu goá; cô Rút, nàng dâu hiếu thảo; ông Bô-át, một điền chủ tốt bụng nhân hậu.
Sách Rút có một nghệ thuật chơi chữ rất tài tình về tên riêng. Ê-li-me-léc (Thiên Chúa của tôi là vua), Na-o-mi (duyên dáng của tôi), Mác-lôn (bệnh tật), Kin-giôn (mỏng giòn), Oóc-pa (quay lưng lại), Rút (bạn gái), Bô-át (sức mạnh ở nơi Người (Đức Chúa)), Ma-ra (đắng cay), Ô-vết (tôi tớ).
Bố cục
1. Nhập đề: Giới thiệu nhân vật (1,1-5)
2. Chính truyện (1,6 – 4,17)
A. Cảnh một: Bà Na-o-mi và cô Rút hiền lương (1,6-22)
Phân cảnh 1: Bà Na-o-mi và hai con dâu lên đường hồi hương (1,6-7)
Phân cảnh 2: Cô Oóc-pa từ giã mẹ chồng (1,8-14)
Phân cảnh 3: Cô Rút nhất quyết đi theo mẹ chồng (1,15-18)
Phân cảnh 4: Hai mẹ con gặp lại bà con tại Bê-lem (1,19-22)
B. Cảnh hai: Cô Rút và ông Bô-át gặp nhau lần đầu (2,1-33)
Phân cảnh 1: Cô Rút đi mót lúa trong ruộng ông Bô-át (2,1-3)
Phân cảnh 2: Ông Bô-át ra thăm thợ gặt (2,4-7)
Phân cảnh 3: Ông Bô-át gặp cô Rút (2,8-17)
Phân cảnh 4: Cô Rút về nhà, trò chuyện với mẹ chồng (2,18-23)
C. Cảnh ba: Cô Rút và ông Bô-át gặp nhau theo kế hoạch của bà Na-o-mi (3,1-18)
Phân cảnh 1: Bà Na-o-mi tính kế cho cô Rút (3,1-5)
Phân cảnh 2: Cô Rút thực hiện kế hoạch (3,6-15)
Phân cảnh 3: Cô Rút về nhà, chờ đợi kết quả (3,16-18)
D. Cảnh bốn: Ông Bô-át cưới cô Rút (4,1-17)
Phân cảnh 1: Ông Bô-át lấy quyền bảo tồn hợp pháp (4,1-8)
Phân cảnh 2: Kỳ mục và toàn dân thừa nhận quyền bảo tồn của ông Bô-át (4,9-12)
Phân cảnh 3: Hôn nhân và sinh con (4,13-17)
3. Kết luận: Bản gia phả vua Đa-vít (4,18-22)
Đạo lý
Đọc sách Rút, người ta nhận ra đề tài chính tác giả nêu lên: lòng trung tín, hay tình thương của Thiên Chúa đối với gia đình bà Na-o-mi. Thiên Chúa hiện diện một cách kín đáo qua lời người thuật truyện (1,6; 4,13). Người thường được nhắc đến qua những lời cầu phúc hay những lời than trách của các nhân vật trong truyện. Trước hết bà Na-o-mi cầu xin Thiên Chúa hành động theo lòng trung tín của Người đối với hai con dâu của bà là Oóc-pa và Rút. Nhưng Thiên Chúa sử dụng đường lối của con người đối với nhau để bày tỏ đường lối của Người. Bà Na-o-mi chúc phúc cho hai cô con dâu (1,8 tt). Tiếp đến qua cách ông Bô-át cư xử với cô Rút, Thiên Chúa tỏ lòng trung tín của Người đối với kẻ chết (ông Ê-li-me-léc, anh Mác-lôn) cũng như người sống (bà Na-o-mi, cô Rút) (2,20). Ông Bô-át chúc phúc cho cô Rút, vì cô trung thành với bà Na-o-mi (2,12), vì tính tình tốt lành của cô (3,10). Thật vậy, không những cô chăm sóc bà mẹ chồng goá, mà cô còn tìm đến gặp ông Bô-át là người họ hàng gần với người chồng quá cố của cô, để ông sẽ là người bảo tồn dòng dõi và là người chồng tương lai của cô (3,10). Rồi những lời dân cầu chúc cô Rút ở cổng thành (4,11). Tất cả những lời cầu phúc đều nhân danh Thiên Chúa mà thốt lên, nhưng qua các hành động của các nhân vật chính mà những lời cầu phúc được ứng nghiệm. Thiên Chúa đứng đằng sau tất cả các nhân vật như là nguyên cớ (4,14). Người hành động qua trung gian những ai sống cuộc đời trung tín.
Ông Bô-át như nơi nương ẩn cô Rút tìm đến để giải quyết những khó khăn của cô cũng như của mẹ chồng (1,12; 3,9). Bà Na-o-mi than rằng bà trở về xứ sở với hai bàn tay trắng (1,12), nhưng ông Bô-át lại cho cô Rút “đầy tay” (3,17). Bà Na-o-mi kêu xin cho con dâu được sống an nhàn dưới mái nhà một người chồng (1,9), Thiên Chúa ban cho cô Rút chốn an nhàn (3,1). Chính qua ông Bô-át, Thiên Chúa chứng tỏ tình thương của Người dành cho bà Na-o-mi và cô Rút. Nỗi đắng cay của bà Na-o-mi trở thành niềm vui, vì ông Bô-át trở thành người bảo tồn dòng dõi và gia nghiệp của gia đình bà Na-o-mi (4,9-17).
Tóm lại, sách Rút cho thấy Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi biến cố. Chính Người chấm dứt nạn đói ở đất Ít-ra-en và cho dân đầy đủ lương thực (1,6). Người bị trách vì nỗi đắng cay của bà Na-o-mi (1,20 tt). Người đưa dẫn cô Rút đến đồng lúa đang gặt của ông Bô-át (2,3). Người đã cho cô Rút làm mẹ (4,13) và cho bà Na-o-mi giàu có (4,14). Bàn tay Thiên Chúa đưa dẫn mọi biến cố trong cuộc đời của bà Na-o-mi, cô Rút và ông Bô-át.
Cô Rút đại diện cho dân ngoại, được mời gọi gia nhập dân Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải chỉ là riêng cho dân Ít-ra-en, nhưng còn cho các dân tộc. Sách Rút đã vén lên bức màn ngăn cách dân Ít-ra-en với các dân khác. Chiều kích phổ quát ơn cứu độ nơi sách Rút đã hiển nhiên. Sau này thánh Mát-thêu sẽ đặt vai trò quan trọng của cô Rút nơi bản gia phả của Đức Giê-su (x. Mt 1,5); cô Rút là một trong bốn tổ mẫu “đặc biệt” của Đức Giê-su.
🌸 🌸 🌸