Dẫn Nhập Sách Sáng Thế Ký
Tên sách
Cuốn Sách Thánh đầu tiên của Ngũ Thư, của Cựu Ước và do đó của bộ Kinh Thánh mang tên : “Bürëšît” (Híp-ri), “Genesis” (Hy-lạp), “Genèse” (Pháp), “Genesis” (La-tinh, Anh, Mỹ, Đức), “Genesi” (Ý), “Génesis” (Tây Ban Nha). Bản Híp-ri lấy từ đầu tiên của cuốn sách “Bürëšît” nghĩa là “Lúc khởi đầu” đặt tên cho cuốn Sách Thánh I này. Vì thế, có dịch giả (như cha Nguyễn Thế Thuấn …) dùng hai từ “Khởi nguyên” để chỉ cuốn đó. “Genesis” (Hy-lạp) và những từ tương đương như Genèse (Pháp), Genesis (La-tinh, Anh, Mỹ, Đức) có nghĩa là “nguồn gốc”, vì cuốn Sách Thánh đó nói về nguồn gốc của vũ trụ, của loài người và dân tộc Ít-ra-en. Cũng có những dịch giả (như Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ …) dùng từ “Sáng thế” để chỉ cuốn đó, vì hai trình thuật đầu tiên đề cập tới vấn đề sáng tạo thế giới, vũ trụ và con người.
Cấu trúc căn bản
Mục tiêu chính yếu mà các tác giả nhắm trong sách St vẫn là dân tộc Ít-ra-en trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lịch sử dân tộc Ít-ra-en khởi sự với ông Áp-ram từ St 12 trở đi, tuy 11,27-32 là đoạn dọn đường cho trình thuật về tổ phụ của Ít-ra-en khi kê khai dòng họ ông. Phần sách St từ 12,1 cho đến cuối sách (50,26) chia làm ba khối liên quan tới bốn nhân vật chính : 1) ông Áp-ra-ham (12,1 – 25,18) ; 2) các ông I-xa-ác và Gia-cóp (25,19 – 37,1) ; 3) ông Giu-se và anh em của ông (37,2 – 50,26). Nội dung của đoạn này chính là lịch sử các tổ phụ, tổ tiên của dân tộc Ít-ra-en : Thiên Chúa can thiệp vào đời sống các ông để từ từ gầy dựng nên một dân sẽ trở thành dụng cụ của Người trong lịch sử cứu độ ; các tổ phụ đối diện và tiếp xúc với Thiên Chúa ; các ông hành động dưới sự thúc đẩy của Người ; dần dần nổi lên dung mạo các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp với tư cách là tổ phụ của dân Ít-ra-en, cũng như mười hai chi tộc Ít-ra-en mang tên danh tổ của họ là mười hai con ông Gia-cóp. Vì các tổ phụ và mười hai con của tổ phụ Gia-cóp thuộc nhân loại và sống trong một miền đất rộng lớn thuộc vũ trụ này, nên các tác giả sách St đặt ở phần đầu tác phẩm những trình thuật và yếu tố liên quan đến công cuộc tạo thành con người và lịch sử nhân loại cũng như đến công cuộc tạo thành vũ trụ (1,1 – 11,26). Mười một chương đầu này của St thường được gọi là “lịch sử tiên khởi”.
Nhãn giới tôn giáo trong sách Sáng thế
Những câu và đoạn thuộc ba truyền thống gia-vít (J), ê-lô-hít (E), và tư tế (P) làm nên 50 chương của St, và còn tiếp tục trong ba tác phẩm kế tiếp (Xh, Lv và Ds). Mỗi truyền thống trong những câu và đoạn đó đều mang những nét riêng biệt về mặt hình thức, văn chương và nội dung thần học.
Lịch sử tiên khởi (St 1 – 11)
A. Cái nhìn thần học theo P
Ngoài St 9,20-27 (của một truyền thống biệt lập), St 10,24 (của soạn giả) và phần của J, những đoạn sau đây thuộc truyền thống tư tế (P) : St 1,1 – 2,4a ; 5,1-28.30-32 ; 6,9-22 ; 7,6-11.13-16a.17a.18-21.24 ; 8,1-2a. 3b-5.13a.14- 19 ; 9,1-17.28-29 ; 10,1-7.20.22-23.31- 32 ; 11,10-27. 31-32.
Giới tư tế đã đảm nhận công việc soạn thảo Ngũ Thư ở giai đoạn cuối vào thế kỷ thứ V tCN. Vì thế, chúng ta dễ hiểu tại sao trình thuật tư tế về công cuộc tạo thành nằm ở ngay đầu St (1,1 – 2,4a). Trình thuật này muốn cho thấy : vạn vật đều do Thiên Chúa dựng nên, và con người là kiệt tác trong công cuộc tạo thành đó. Phần cuối trình thuật nói về Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày thứ bảy sau sáu ngày tạo thành, và về ngày thứ bảy được thánh hoá, đặt nền tảng cho luật giữ ngày sa-bát.
Sau trình thuật tạo thành là danh sách các tổ phụ trước Hồng Thuỷ (St 5). Truyền thống tư tế không đưa ra trình thuật về sự sa ngã. Nhưng số tuổi các tổ phụ trong danh sách nói chung cứ giảm dần ; sự kiện này có liên quan tới sự dữ gia tăng : đó là điều phù hợp với ý tưởng diễn đạt trong Cn 10,27a (“Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ”). Đối với các tác giả của truyền thống tư tế, loài người đã ra hư hỏng, Hồng Thuỷ là hậu quả của tình trạng đó (6,11-13). Chỉ có ông Nô-ê là người công chính, sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nước Hồng Thuỷ tiêu diệt tất cả các sinh vật, ngoại trừ ông Nô-ê, đại gia đình của ông và các loài vật ở trong tàu. Cao điểm của trình thuật nằm ở giao ước của Thiên Chúa với ông Nô-ê và nhân loại, kèm theo lời hứa là sẽ không còn có Hồng Thuỷ để tàn phá mặt đất nữa (9,9-11.15). Dấu hiệu giao ước đó là cầu vồng chỉ trời tạnh sau mưa gió bão táp, thời thanh bình sau thời chiến tranh (9,13 : “Gác cây cung lên mây” là treo vũ khí, chấm dứt chiến tranh).
B. Cái nhìn thần học theo J
Các tác giả của truyền thống J muốn làm nổi bật lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với vũ trụ và con người, trong khi con người đáp lại bằng thái độ bất tuân và tội lỗi. Đoạn sau đây nhắm mục tiêu tóm kết những đường nét chính yếu của các trình thuật nằm trong St 1 – 11 : 1) Thiên Chúa bày tỏ lòng nhân hậu từ bi đối với nhân loại ; 2) nhân loại không phục tùng Thiên Chúa, đi vào con đường tội lỗi ; 3) Thiên Chúa loan báo sẽ trừng phạt ; 4) biến cố trừng phạt xảy ra ; 5) Thiên Chúa tỏ lòng thương xót, thứ tha và ban phúc lành mới cho nhân loại.
Tất cả những ý này nằm trong các chương và câu của J ghi sau đây : 2,4b-4.26 ; 6,5-8 ; 7,1-5.12.16b.17b.22-23 ; 8,2b.3a.6-12.13b.20-22 ; 9,18-19 ; 10,8-19.21.25-30 ; 11,1-9.28-30.
Lịch sử các tổ phụ dân Ít-ra-en (St 12 – 50)
Lịch sử các tổ phụ dân Ít-ra-en chủ yếu vẫn là lịch sử tôn giáo, qua lịch sử của một gia đình và sau này lịch sử của một dân tộc. Thiên Chúa mặc khải cho loài người biết những sự can thiệp trực tiếp của Người để thực hiện chương trình cứu độ loài người. St 1 – 11 đưa ra những nét chung. Từ St 12 trở đi, mối tương quan của Thiên Chúa với loài người mang một nét mới, nhằm một mục tiêu chính xác khi Thiên Chúa chọn ông Áp-ram.
A. Ơn gọi của ông Áp-ram
Ơn gọi này gắn liền với chương trình cứu độ của Thiên Chúa : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ ban phúc lành cho ngươi … Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12,1-2a.3c). Sau khi ông rời Kha-ran mà vào đất Ca-na-an, lời Thiên Chúa lại vang lên, đem lại lời hứa sau đây : “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi” (12,7a). Một vùng đất, một dân tộc : đó là đối tượng của lời hứa Thiên Chúa ban ! Từ một người, Thiên Chúa tuyển chọn một gia đình ; sự tuyển chọn này giải rộng đến một dân tộc, dân tộc Ít-ra-en.
B. Thiên Chúa và ba tổ phụ của Ít-ra-en
Thiên Chúa thiết lập mối tương giao liên vị ngày càng sâu xa hơn với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, can thiệp theo nhiều hình thức khác nhau vào cuộc sống các ông, đưa các ông vào một cuộc phiêu lưu tôn giáo, dẫn từ từ đến kinh nghiệm về Thiên Chúa và mối tương quan mật thiết với Người. Ông Áp-ra-ham luôn tỏ ra là người có một đức tin vững mạnh, tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, cách riêng trong ba biến cố : 1) chấp nhận một cuộc phiêu lưu, khi rời bỏ xứ sở và họ hàng mà đi tới đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho mình (12,1-4) ; 2) tin vào Thiên Chúa, Đấng hứa ban một người con thừa kế, một dòng dõi đông đúc mặc dầu hai vợ chồng đã cao niên (17,15-19 ; 18,9-14), và còn hứa ban một vùng đất (15,2-6.18 ; 17,2-6.8.15-19.21 ; v.v.) qua Giao Ước Thiên Chúa thiết lập với mình (15,9-21 ; 17,2-14 ; v.v.) ; 3) bằng lòng hy sinh người con duy nhất làm lễ vật mà vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa về dòng dõi đông đảo (22,1tt). Trong các trình thuật từ St 12 đến 25,11, ông Áp-ra-ham nổi bật với tư cách trưởng tộc, người nhận lời hứa được đưa vào Giao Ước, tổ phụ một dòng dõi đông như sao trời, nhân vật được Thiên Chúa sử dụng để thực hiện ý định của Người về một dân tộc.
Dung mạo của ông I-xa-ác khá lu mờ. Vai trò thụ động của ông tựa như một thứ vai trò chuyển tiếp giữa ông Áp-ra-ham và ông Gia-cóp, tuy ông I-xa-ác là con của lời hứa (21,1-7 ; 26,4-6), là đối tượng của trình thuật về hy lễ trên núi thuộc xứ Mô-ri-gia (22,1tt). Ông chỉ biết lo nghề chăn nuôi đàn thú vật (26,12b-14). Tính tình trầm tĩnh và hiền lành của ông đã giúp ông biết nhẫn nại chịu đựng : nhường người khác về chuyện các giếng nước (26,19-22) ; không nổi cơn thịnh nộ khi bị người con là Gia-cóp lừa gạt (27,33-34) … Tất cả những gì liên quan đến ông I-xa-ác nằm trong các chương và đoạn sau đây : 18,9-15 ; 21,1-7.10.12 ; 22,1-19 ; 24,1-66 ; 25,19-28 ; 26,1-35 ; 27,1-46 ; 28,1-5 ; 35,27-29.
Trong 26 chương cuối cùng của St (từ ch. 25 đến ch. 50), đã có 21 chương đề cập tới nhân vật Gia-cóp, trừ 5 chương (26 ; 38 – 41). Nếu so sánh các đoạn liên quan đến ông Gia-cóp với các bản văn về hai tổ phụ Áp-ra-ham và I-xa-ác cũng như về ông Giu-se, độc giả sẽ nhận thấy : số lượng các đoạn về ông Gia-cóp cao hơn cả. Sự kiện này có thể là dấu chỉ tầm quan trọng của ông trong vai trò làm tổ phụ mười hai chi tộc Ít-ra-en. Vai trò đó liên hệ tới giai đoạn đầu trong quá trình gầy dựng dân Chúa. Ngày nay, rất nhiều Ki-tô hữu không khỏi hết sức ngạc nhiên, khi đọc một số đoạn cho thấy : ông Gia-cóp là một con người tính toán, mưu mô xảo quyệt, lưu manh gian giảo. Từ những sự kiện đó toát ra một bầu khí trần tục thay vì một bầu khí tôn giáo hướng thượng, linh thiêng. Một đàng, thái độ ngạc nhiên đó là chuyện bình thường, vì thời xưa, người sống ở miền Cận Đông Cổ Thời có một cách nhìn, một não trạng và những cách hành động không giống người thời nay ; cảm thức luân lý của họ không được tinh tế bằng. Đàng khác, Thiên Chúa muốn dùng những con người cụ thể yếu hèn để thực hiện chương trình cứu độ. Biết bao trở ngại xảy ra do con người hay hoàn cảnh gây nên ! Chương trình đó vẫn tiếp tục, bất chấp những trở ngại ấy : Thiên Chúa dùng những đường cong để vạch ra những đường thẳng ! Đó là điều Thiên Chúa muốn cho kẻ có lòng tin thấy được. Tín hữu đọc những đoạn Kinh Thánh thuộc loại đó để hiểu những sự việc ấy và bắt được ý của Thiên Chúa mà không cần công nhận hết mọi điều ghi trong đó. Nhưng chúng ta đừng quên : hai sự việc xảy ra (giấc mộng ở Bết Ên và vụ vật lộn với Thiên Chúa) đã gây ảnh hưởng trên con người và đời sống ông Gia-cóp. Trong trình thuật về giấc mộng ở Bết Ên (28,10-22), Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng hiện diện chẳng những ở Bết Ên, mà còn hiện diện với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và dòng dõi, khi nhắc lại những phúc lành Người đã hứa ban cho các ông (c.14). Thiên Chúa cũng hiện diện trong đời của ông Gia-cóp : Người ở với ông, sẽ giữ gìn ông, sẽ không bỏ ông … (c.15). Vụ vật lộn với Thiên Chúa (32,23-33) mang nhiều ý nghĩa. Thiên Chúa đến trong cuộc đời ông Gia-cóp, bắt ông phải vất vả phấn đấu. Cuộc vật lộn đó chỉ mối tương quan cam go giữa con người và Thiên Chúa : phải liên tục cố gắng không buông Người ra, bám chặt lấy Người, và từ Người nhận các phúc lành. Đó là thái độ của người tin : “tin” là bám lấy Thiên Chúa, ở lại trong Thiên Chúa (động từ Híp-ri : ´mn = 1. vững chắc, bền chặt ; 2. tin).
Sau khi rời nhà ông La-ban, trên đường, ông Gia-cóp chuẩn bị gặp anh là Ê-xau. Viễn tượng sẽ gặp anh làm cho ông Gia-cóp “rất sợ hãi kinh hoàng” (32,8). Ông dâng lên Thiên Chúa mộtlời cầu nguyện tràn ngập những tâm tình khiêm nhượng cậy trông. Lời cầu nguyện này (32,10-13 : của J) được coi như một trong những lời cầu đặc biệt nhất của một số nhân vật Cựu Ước, diễn tả lòng đạo chân thành của ông Gia-cóp đối với Thiên Chúa : “Lạy Thiên Chúa của tổ phụ con là ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa của cha con là ông I-xa-ác, lạy Đức Chúa, Đấng đã phán bảo con : ‘Hãy trở về xứ sở, về với họ hàng ngươi, và Ta sẽ đối xử nhân hậu với ngươi’, con bé nhỏ, đâu xứng với tất cả mọi ân huệ và tất cả lòng thành tín mà Ngài đã tỏ cho tôi tớ Ngài đây. Thật vậy, khi qua sông Gio-đan, con chỉ có cây gậy, thế mà giờ đây đã thành ra hai trại. Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Ê-xau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con, đánh cả mẹ lẫn con. Chính Ngài đã phán với con : ‘Ta sẽ đối xử rất nhân hậu với ngươi, và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên nhiều như cát ngoài biển, không thể đếm được vì quá đông.’”
C. Vai trò ông Giu-se
Các trình thuật về ông Giu-se ở phần cuối sách St (St 37,2 – 50,26) là nhịp cầu nối lịch sử các tổ phụ dân Ít-ra-en với lịch sử ông Mô-sê ở đầu sách Xuất hành. Nhờ các trình thuật đó, độc giả hiểu được lý do tại sao một số chi tộc Do-thái lại sống ở Ai-cập. Lịch sử ba tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp hướng về A-ram phía bắc Lưỡng Hà Địa, còn các trình thuật về ông Giu-se lại tạo nên sự xích lại gần với Ai-cập và dọn đường cho biến cố Xuất Hành. Lời tuyên xưng đức tin trong Đn 26,5b-8 phác hoạ mối tương quan giữa lịch sử các tổ phụ gốc A-ram và biến cố Xuất Hành : “Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi ; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông. Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập.”
Về bản văn (gồm các đoạn của ba truyền thống E, J và P), các học giả nhận thấy : J xuất hiện ở ch. 37 cùng với E, rồi chỉ xuất hiện lại ở các ch. 46, 47, 48 và 50. P cũng chỉ có mặt từ ch. 46 đến ch. 50 (mỗi chương có một ít câu thuộc P thôi). Như thế, trong phần liên quan đến ông Giu-se, E nổi bật, chiếm phần lớn của bản văn. Quả thật, các soạn giả của E chú tâm cách đặc biệt đến “nhà Giu-se”, hai chi tộc Ép-ra-im và Mơ-na-se.
Các trình thuật về ông Giu-se không trực tiếp chú trọng đến Giao Ước và các lời hứa, nhưng dựa vào các sự kiện lịch sử để triển khai những suy nghĩ tôn giáo mang dấu vết trào lưu khôn ngoan về hoạt động của Thiên Chúa Quan Phòng trong cuộc đời ông Giu-se. Những lời sau đây của ông Giu-se thật giàu ý nghĩa sâu xa : “Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây : chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em … Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa …” (St 45,4-5.7-8a) ; “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50,20). Từ những lời này, có thể rút ra vài điểm chính yếu liên quan đến giáo huấn về đời ông Giu-se : 1) Đau khổ, thử thách góp phần rèn luyện con người, giúp con người trở thành dụng cụ hữu hiệu cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ; 2) Thiên Chúa đối xử nhân hậu với con người, kẻ xấu cũng như người tốt, tiên liệu mọi điều, có thể biến mọi sự thành phương tiện cứu độ.
Thời các tổ phụ trong lịch sử thời cổ miền Cận Đông
Những trình thuật về các tổ phụ cho thấy : Thiên Chúa dùng các tổ phụ như những con người sống tại một vùng của trái đất, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, để thực hiện ý định cứu độ của Người. Cái nhìn tôn giáo về những sự can thiệp của Thiên Chúa trong đời sống các ông là điều sách St nhắm tới, chứ không phải những biến cố lịch sử theo nhãn giới và mục tiêu của sử gia. Tuy nhiên, vì các tổ phụ sống trong những thời nhất định tại ba vùng : Lưỡng Hà Địa, Pa-lét-tin và Ai-cập, nên xác định trong mức độ có thể thời điểm của các ông là chuyện hữu ích cho công việc tìm hiểu các nhân vật được Thiên Chúa sử dụng theo chương trình cứu độ. Theo các học giả, chỉ có thể xác định cách phỏng chừng vài điểm sau đây : 1) từ Lưỡng Hà Địa, ông Áp-ram đến Ca-na-an vào khoảng năm 1850 hoặc năm 1800 tCN ; 2) các người Hích-sót từ Pa-lét-tin tới Ai-cập vào khoảng giữa năm 1720 tCN và năm 1550 tCN ; nói chung, nhiều học giả cho rằng con cái ông Gia-cóp đến Ai-cập vào năm 1700 tCN ; giữa người Hích-sót và con cái ông Gia-cóp có liên lạc nào không : vấn đề đó chưa có lời giải đáp chắc chắn.
(Theo CGKPV)
🌸 🌸 🌸
- Gen-intro
- Gen01
- Gen02
- Gen03
- Gen04
- Gen05
- Gen06
- Gen07
- Gen08
- Gen09
- Gen10
- Gen11
- Gen12
- Gen13
- Gen14
- Gen15
- Gen16
- Gen17
- Gen18
- Gen19
- Gen20
- Gen21
- Gen22
- Gen23
- Gen24
- Gen25
- Gen26
- Gen27
- Gen28
- Gen29
- Gen30
- Gen31
- Gen32
- Gen33
- Gen34
- Gen35
- Gen36
- Gen37
- Gen38
- Gen39
- Gen40
- Gen41
- Gen42
- Gen43
- Gen44
- Gen45
- Gen46
- Gen47
- Gen48
- Gen49
- Gen50