DẪN NHẬP SÁCH ÉT-RA VÀ NƠ-KHE-MI-A

Sách Ét-ra – Nơ-khe-mi-a : Quy điển và ngoại thư

Trong Sách Thánh hiện nay, bản Híp-ri cũng như các bản dịch, đều thấy sách Ét-ra và sách Nơ-khe-mi-a như hai sách riêng biệt đứng liền nhau. Nhưng trong những quy điển xưa nhất thì hai sách này thành một với tên là sách Ét-ra. Nhiều bản chép tay cổ vẫn chép hai sách liền nhau, nhưng có ghi bên lề hai chữ “sách Nơ-khe-mi-a” để đánh dấu chỗ phân giữa hai sách, chứng tỏ đã sớm có truyền thống tách rời hai sách này, gọi tên theo nhân vật chính trong mỗi sách.

Bản LXX và bản Phổ thông lại cho tới bốn sách mang tên Ét-ra : LXX cho Ét-ra A-B-C và Ét-ra ; Phổ thông Ét-ra III-I-II và IV ; các bản hiện tại : Ét-ra I – Ét-ra – Nơ-khe-mi-a – Ét-ra II (khải huyền).

Những cuốn tương ứng với Ét-ra – Nơ-khe-mi-a hiện tại là quy điển, còn các phần khác là ngoại thư.

Nội dung

Đọc Er – Nkm hiện nay, chúng ta có thể nhận ra từng mảng rõ rệt :

Er 1-6 : kể lại các biến cố từ khi có lệnh hồi hương cho đến khi xây lại được đền thờ Giê-ru-sa-lem, cung hiến Đền Thờ và cử hành lễ Vượt Qua.

Er 7-10 : kể lại hoạt động của kinh sư Ét-ra. Ông được vua Ba-tư sai về Giê-ru-sa-lem để chấn chỉnh cuộc sống của dân cho đúng với Luật Chúa. Ông dẫn một đoàn hồi hương nữa về Giê-ru-sa-lem và bắt tay vào việc loại bỏ hôn nhân với dân ngoại.

Nkm 8-10 : kể việc ông Ét-ra tuyên đọc Luật Chúa và tái lập Giao Ước.

Nkm 1-7 : phần đầu hồi ký của ông Nơ-khe-mi-a : ông được tin về tình trạng bi đát của Giê-ru-sa-lem. Nét mặt buồn rầu của ông làm nhà vua thắc mắc. Sau khi biết rõ sự thật, vua cho ông về Giê-ru-sa-lem với tư cách tổng trấn (Nkm 5,14) chấn chỉnh đời sống vật chất và xã hội. Ông thành công trong việc xây lại tường thành, chấn chỉnh tình trạng bất công.

Nkm 11-12 : ông Nơ-khe-mi-a phân bố lại dân cư và khánh thành tường thành.

Nkm 13 : ông Nơ-khe-mi-a trở lại kinh lược và chấn chỉnh một số vấn đề liên can tới Đền Thờ, hàng tư tế, ngày sa-bát và hôn nhân với người ngoại.

Vấn đề niên biểu và thứ tự các trình thuật

Đây là vấn đề gay go nhất khi nghiên cứu sách Er – Nkm. Theo thứ tự trong sách, ông Ét-ra tới Giê-ru-sa-lem vào năm thứ bảy đời vua Ác-tắc-sát-ta I, tức là năm 458 tCN (Er 7,8), ông Nơ-khe-mi-a năm thứ 20 dưới cùng một đời vua, tức năm 445 (Nkm 2,1). Ông Nơ-khe-mi-a ở lại 12 năm với tư cách tổng trấn rồi trở lại Ba-tư. Sau một thời gian, ông lại về kinh lược và chấn chỉnh tình trạng tôn giáo và xã hội ở Giê-ru-sa-lem, vẫn dưới triều vua Ác-tắc-sát-ta I. Vua này chết năm 424. Như vậy có vẻ hai nhân vật này hoạt động đồng thời với nhau tại Giê-ru-sa-lem, nhưng hoàn toàn độc lập : ông Ét-ra tái xuất hiện ở Nkm 8-9 để đọc sách Luật sau khi hoàn toàn vắng mặt ở giai đoạn rất quan trọng của việc tái thiết tường thành và chấn chỉnh tình trạng xã hội (Nkm 1-7). Nơ-khe-mi-a có mặt trong buổi tuyên đọc Luật, Ét-ra có mặt trong buổi khánh thành tường thành (Nkm 12).

Người ta đưa ra nhiều giải đáp, nhưng chưa có giải đáp nào hoàn toàn thoả đáng. Giải đáp thứ nhất : hai nhân vật này hoạt động xen kẽ nhau. Sự có mặt đồng thời ở Nkm 8-9 được giải thích bằng giả thuyết là ông Ét-ra đến Giê-ru-sa-lem năm 27 hoặc 37 đời vua Ác-tắc-sát-ta thay vì năm thứ 7 (Er 7,8), tức là năm 438 hoặc 428, tháp tùng ông Nơ-khe-mi-a trong chuyến kinh lược thứ hai.

Giải đáp thứ hai khai triển giả tuyết trên : Ông Ét-ra đã tháp tùng ông Nơ-khe-mi-a trong chuyến kinh lược thứ hai (năm 430) và âm thầm giúp ông này chấn chỉnh tình hình (Nkm 13 và 8-9), sau đó mới được đề bạt và được chính thức sai về chấn chỉnh đời sống ở Giu-đa cho đúng theo Luật Chúa. Ông chính thức dẫn một đoàn hồi hương năm 428, tiếp tục việc cải cách xã hội và tôn giáo (Er 7-10).

Giải đáp thứ ba : toàn bộ hoạt động của Nơ-khe-mi-a diễn ra trước, thời vua Ác-tắc-sát-ta I ; ông Ét-ra đến Giê-ru-sa-lem vào năm thứ 7 đời vua Ác-tắc-sát-ta II (khoảng 398-397) và hoạt động cải cách (Er 7-10) và tái tuyên Lề Luật (Nkm 8-9). Chuyện Nơ-khe-mi-a có mặt khi Ét-ra tuyên đọc Lề Luật và Ét-ra có mặt khi Nơ-khe-mi-a khánh thành tường thành là kỹ xảo của soạn giả nhằm mục đích thần học : đề cao vai trò của vị tư tế – kinh sư Ét-ra.

Khi xem xét kỹ bản văn, chúng ta tìm thấy có những điều thật khó hiểu. Khi nói về những cản trở trong việc xây lại đền thờ (Er 4), tác giả lại dẫn những sử liệu (Er 4,6-23) liên can tới những biến cố thời vua Ác-tắc-sát-ta, khoảng 50-60 năm sau, về nỗ lực xây lại tường thành. Khi nói về cuộc kiểm tra dân số thời ông Nơ-khe-mi-a, tác giả lại sao chép bản kê khai của đợt hồi hương năm 538. Những vấn đề này cũng như các vấn đề về niên biểu và thứ tự các trình thuật đều không có giải đáp thoả đáng. Nhưng khi nhìn vào chủ đích thần học của bộ sách, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được phần nào.

Những chủ đề thần học

Nếu đọc Er – Nkm như một tác phẩm duy nhất theo truyền thống văn bản ban đầu, chúng ta dễ dàng nhận ra bốn phần của một công trình khôi phục : I. Er 1-6 : khôi phục Đền Thờ ; II. Er 7-10 : khôi phục cộng đoàn phụng tự ; III. Nkm 1-7 : khôi phục tường thành Giê-ru-sa-lem ; IV. Nkm 8-13 : khôi phục cộng đoàn theo Lề Luật.

Những người hồi hương đầu tiên đã xây lại Đền Thờ, tái lập việc phụng tự, nhưng chính cộng đoàn phụng tự lại không thanh sạch vì giống nòi không nguyên tuyền. Kinh sư Ét-ra làm công việc khôi phục sự tinh tuyền nòi giống để làm cho cộng đoàn thanh sạch, Đền Thờ và cộng đoàn phải được bảo vệ nhờ tường thành Giê-ru-sa-lem và một sự phân bố dân cư hợp lý, đó là công việc của nhà lãnh đạo chính trị, tổng trấn Nơ-khe-mi-a. Chỉ đến khi bảo đảm được sự an toàn rồi mới có thể tuyên lại Luật Mô-sê ; đây lại là việc của kinh sư Ét-ra.

Ngoài ra, tác giả còn muốn làm nổi bật tính liên tục giữa cộng đoàn dân Chúa sau lưu đày với cộng đoàn trước lưu đày : chỉ có những người từ nơi lưu đày trở về và chứng minh được mình là dòng dõi của những người Ít-ra-en trước lưu đày, mới được nhìn nhận là thành viên của cộng đoàn và được góp phần xây lại Đền Thờ. Họ trở về nơi tổ tiên mỗi gia đình đã sinh sống trước kia. Đền Thờ được xây lại trên nền móng cũ. Tường thành cũng được xây lại từ đống đá cháy đen. Những người lãnh đạo phụng tự cũng như những người phục vụ Đền Thờ đều là dòng dõi của những người lãnh đạo và phục vụ thời trước. Cơ chế phụng tự, các ngày lễ, các lễ tế cũng theo như cũ. Cuối cùng Lề Luật được tuyên lại cũng là Luật Mô-sê.

Tác giả vận dụng các tài liệu để xây dựng tác phẩm theo chủ đích là trình bày lịch sử khôi phục cộng đồng dân Thiên Chúa sau lưu đày, trong đó Đền Thờ và tường thành là quan trọng, nhưng chính việc khôi phục cộng đoàn thanh sạch để có thể thi hành việc phụng tự và sống theo Luật Chúa mới là điều chính yếu. Và điều chính yếu này thì chỉ có vị tư tế kiêm kinh sư Ét-ra mới làm được. Chính cái chủ đích đó giúp chúng ta hiểu tại sao tác giả sắp xếp các trình thuật và trưng dẫn các sử liệu bằng một lề lối khiến chúng ta chóng mặt khi tìm cách sắp xếp lại theo lô-gích của chúng ta.

Toàn bộ công cuộc khôi phục được trình bày như công trình của Thiên Chúa thực hiện qua trung gian là những con người được tuyển chọn : Thiên Chúa tác động trên tâm trí vua Ky-rô để vua ra sắc chỉ cho dân của Thiên Chúa về Giê-ru-sa-lem xây lại Đền Thờ. Thiên Chúa sai hai ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a đến cổ võ, thôi thúc dân hoàn tất công trình tái thiết bị dang dở. Bàn tay Chúa che chở ông Ét-ra để đưa ông về Giê-ru-sa-lem tuyên lại Luật Mô-sê (Er 7,6). Bàn tay nhân lành của Chúa che chở ông Nơ-khe-mi-a khiến vua Ba-tư chấp thuận cho ông về dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem (Nkm 2,8). Công cuộc khôi phục kéo dài hàng trăm năm qua bao khó khăn, gian khổ, đã thành tựu nhờ quyền năng Thiên Chúa. Nhưng sự yếu đuối của con người khiến cộng đồng dân Chúa cần phải được khôi phục không ngừng : có lẽ đó là điều ch. 13 muốn nói lên khi kể tình trạng Giê-ru-sa-lem nhân cuộc kinh lược thứ hai của ông Nơ-khe-mi-a.

Nguồn tài liệu, tác giả và thời kỳ biên soạn

Tài liệu sử dụng có thể được nhận diện dễ dàng, gồm : 1. các văn kiện chính thức bằng tiếng Híp-ri (các bản kê khai, thống kê …, Er 2 và Nkm 7 ; 10,3-30 ; 11,3-36 ; 12,1-26), và tiếng A-ram (thư từ và sắc lệnh, Er 4,9 – 6,18 ; 7,12-26) ; 2. hồi ký của ông Ét-ra (Er 7-10) ; 3. hồi ký của ông Nơ-khe-mi-a (Nkm 1-7 ; 10 ; 12,27 – 13,31). Đó cũng là lý do tại sao trong sách bằng tiếng Híp-ri lại có một phần bằng tiếng A-ram (Er 4,8 – 6,18 ; 7,12-26).

Về tác giả, các nhà nghiên cứu hiện nay gần như nhất trí cho rằng Er – Nkm là công trình biên soạn của cùng một tác giả hoặc nhóm biên soạn sách 1-2 Sb, dựa vào mấy yếu tố sau : một là sự trùng lắp giữa lời kết 2 Sb và lời mở đầu Er ; hai là các chủ đề thần học, đặc biệt là vai trò ưu việt của Giê-ru-sa-lem, Đền Thờ và phụng tự ; ba là cách sử dụng các bản kê khai và các nguồn tài liệu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là công trình này được biên soạn liền một hơi, nhưng có thể có nhiều giai đoạn và có cả những chỗ được thêm vào sau.

Về thời kỳ biên soạn, dựa vào lời văn chưa chịu ảnh hưởng Hy-lạp, có thể kết luận là tác phẩm được biên soạn trước thời kỳ bành trướng của Hy-lạp (333 tCN). Dựa vào tên vị hoàng đế Ba-tư cuối cùng được nêu là Đa-ri-ô II (425-405 tCN) và vị thượng tế cuối cùng được nhắc đến là Giơ-hô-kha-nan, người thi hành chức vụ ít là tới 410 tCN, có thể kết luận sách được biên soạn khoảng trước sau năm 400 một chút.

Tầm quan trọng của Ét-ra – Nơ-khe-mi-a đối với chúng ta

Er – Nkm đặc biệt quan trọng vì nhiều lý do. Trước hết đây là nguồn tài liệu duy nhất trong Sách Thánh giúp chúng ta hiểu về công cuộc khôi phục dân Chúa sau thời lưu đày, mặc dù một số chi tiết về lịch sử có thể làm các nhà nghiên cứu thời nay đau đầu.

Thứ hai là bộ sách này phác hoạ cho chúng ta mô hình một cộng đoàn nỗ lực xây dựng lại chính mình và những cơ sở vật chất cũng như cơ cấu tinh thần từ những mảnh vụn của quá khứ, để trở thành một thực thể vừa mới mẻ vừa liên tục với quá khứ, nhờ quyền năng Thiên Chúa, nhờ quyết tâm cao và sự tập trung nỗ lực của toàn thể cộng đoàn và nhờ lãnh đạo giỏi.

Thứ ba, bộ sách khắc hoạ cho chúng ta hai bức chân dung của hai nhân vật điển hình về đạo đức và lãnh đạo, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” : Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Cả hai đều bày tỏ một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, đi tìm sự trợ giúp của Thiên Chúa trong mọi tình huống. Nhưng khác với các nhân vật của thời xưa, họ không được bao bọc bởi những cuộc hiển linh chói loà của Thiên Chúa, họ phải vận dung trí tuệ và nỗ lực bản thân để thi hành sứ mạng. Cả hai đều hết lòng vì dân cũng như vì Chúa, đem hết sức lực và khả năng hoàn thành sứ mạng tái thiết : tổng trấn Nơ-khe-mi-a, một nhà tổ chức gương mẫu, biết huy động nội lực, để vừa đối phó với thù trong giặc ngoài vừa phân công và điều động sức người sức của để hoàn thành công trình, chạy đua với khả năng phá hoại của kẻ thù. Thắng được hiệp này, ông lại phải tiếp tục chiến thắng những sức ì bên trong cộng đoàn để có thể giải quyết những vấn đề bất công và nghèo đói, phân bố lại dân cư cho hợp với hoàn cảnh. Vị tư tế kinh sư Ét-ra, người thông thạo Luật Chúa đã biết chiêu tập nhân tài để tổ chức lại đời sống của cộng đoàn theo đúng Luật Chúa. “Ông Nơ-khe-mi-a cũng để lại những kỷ niệm đậm đà : chính ông đã dựng lại tường thành đổ nát, đã sửa sang các cổng và then cài, đã tái thiết nhà cửa cho chúng ta” (Hc 49,13). Còn ông Ét-ra được truyền thống Do-thái coi như Mô-sê mới, người đặt nền móng cho Do-thái giáo, giúp đạo này tồn tại cho đến ngày nay.

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ