DẪN NHẬP SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
Tiếp cận bản văn
Qua một lần tiếp xúc với bản văn, độc giả có thể ghi nhận một vài điểm nổi bật sau đây:
Tựa đề sách: Đệ nhị luật có nghĩa là “luật thứ hai”. Thật ra bản văn không hề nói tới một luật thứ hai, nhưng ở 17,18 có câu: “… vua phải sao lại cho mình một bản thứ hai của luật này.” Hoá ra từ “đệ nhị luật” là dịch sát từ Hy-lạp của LXX, rút ở c.17,18 và dùng làm tựa đề. LT PT dịch lại từ Hy-lạp và cũng lấy đó làm tựa đề cho cuốn sách. Các bản Công Giáo đến sau, ở Tây phương cũng như ở Việt Nam, có lẽ vì xét là tiện hơn, nên cũng giữ nghĩa đó (“Đệ nhị luật” ở đây hoặc “Thứ luật” của bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). Hai bản tiếng Trung Hoa lưu hành tại Hương Cảng thì đề “Thân mệnh kỷ” (bản dịch công giáo, Hương Cảng 1968) và “Thân mệnh ký” (bản dịch Thánh Kinh Hội, Hương Cảng 1979) – “mệnh” là mệnh lệnh, và “thân” có nghĩa là trình bày, nói lại cho rõ. Bản dịch Việt ngữ mới nhất của Thánh Kinh Hội dịch là “Phục-truyền Luật-lệ Ký” (Tp. Hồ Chí Minh 1995). Riêng bản gốc Híp-ri, ở đây cũng như ở các sách trong Ngũ Thư, chỉ lấy từ đầu tiên của sách làm tựa đề: “Những lời”. Vậy các tựa đề đã cho chúng ta biết được phần nào tính chất của cuốn sách này: không phải một bộ luật mới, mà một bản cải biên của bộ luật Mô-sê đã có trước đó (x. 17,18+).
Bản văn gồm toàn lời nói của một nhân vật: “Ông Mô-sê nói: ‘tôi… anh em’…”, từ đầu đến gần cuối sách (trừ chương cuối). Chỉ có một người phát biểu là ông Mô-sê, và phát biểu với một đối tượng duy nhất là Ít-ra-en. Các tiêu đề trong bản văn đều là “Diễn từ của ông Mô-sê”. Vậy nội dung khái quát của cuốn sách là một loạt diễn từ của ông Mô-sê cho con cái Ít-ra-en. Hơn nữa, Ít-ra-en được gọi khi thì bằng đại từ số ít, khi thì bằng đại từ số nhiều, lẫn lộn trong suốt bản văn.
Một số cụm từ cứ trở đi trở lại: “‘tôi truyền cho anh em’, ‘hôm nay’, ‘anh em sắp qua sông để vào chiếm hữu đất’, ‘đất mà Thiên Chúa ban cho anh em’, ‘miền đất tốt tươi… tuôn chảy sữa và mật’, ‘vì yêu mến anh em’, ‘để anh em được hạnh phúc… và được sống lâu trên đất’, ‘yêu thương và chúc phúc’, ‘nếu anh em thực hành các mệnh lệnh và quyết định của Đức Chúa’”. Đặc biệt, phân câu cuối này được gắn liền với mọi lời chúc phúc. Đó thật là những ý lực của bản văn, cốt tuỷ của các diễn từ, từ đầu đến cuối sách. Hơn nữa, hình thức lặp đi lặp lại là theo đúng tinh thần của toàn bộ Đnl, có thể diễn đạt qua thành ngữ Hán-Việt “tam lệnh ngũ thân”, có nghĩa là nhắc đi nhắc lại (chữ “thân trong tựa đề “Thân mệnh kỷ” của bản Trung Hoa).
Lời văn tuy bộc trực, nhưng đọc lên nghe rất trang trọng, như dòng văn của một nhà giảng thuyết đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục, của một nhà mô phạm hay một nhà hiền triết, nói những lời khuyến dụ để cảm hoá. Vì thế, văn phong Đnl tuy có phần đơn điệu (là độc thoại) lắm khi thành nhàm, vẫn không phải là khô khan như của một nhà lập pháp, nhưng mang một giọng điệu thiết tha, trìu mến. Điều này cũng dễ hiểu: soạn giả muốn cho thấy ông Mô-sê đang trối trước khi qua đời.
Bối cảnh – Chất liệu của bản văn
1. Toàn cảnh hành động của nhân vật Mô-sê trong sách này là đồng bằng Mô-áp, nơi dân Ít-ra-en dừng lại trước khi qua sông Gio-đan để vào chiếm đất Ca-na-an. Nơi đây đã diễn ra một giao ước được coi như bổ sung cho giao ước Khô-rếp (x. 28,69+). Ngoài ra, hành động của ông chỉ là nói, là trối trăng trước khi chết, vì ông sẽ không được qua sông với dân, theo lời cấm đoán của Thiên Chúa. Nhưng chính lời của ông lại đưa về nhiều bối cảnh địa dư khác:
2. Để nhắc lại quá khứ, ông nói đến:
a. xứ Ai-cập, nơi Thiên Chúa đã ra tay uy quyền để cứu thoát Ít-ra-en (7,17-20; 11,3-7);
b. sa mạc Xi-nai là lộ trình của dân sau khi ra khỏi Ai-cập (ch.1), và đặc biệt núi Khô-rếp là nơi Thiên Chúa đã ban luật Người cho dân và lập giao ước với họ (4,9-20.29-40; 8,2-5.14-16; 9,7 – 10,11).
3. Để chuẩn bị tương lai, ông nói đến:
a. các phần đất bên kia sông Gio-đan (x. 4,46-49; các chú thích ở 3,17 và 18), tức là:
– lãnh thổ các dân tộc đang chiếm cứ ở phía đông đất Ca-na-an và Biển Chết: Khét-bôn của người E-mô-ri, Ba-san của người Ra-pha (phía đông và đông bắc thung lũng A-ra-va), là những nơi họ sẽ phải chiến đấu để chiếm đất (2,30-36; 3,1-11). Riêng lãnh thổ Ê-đôm của con cháu Ê-xau, lãnh thổ của người Mô-áp và Am-mon (phía đông thung lũng A-ra-va và tất cả miền thung lũng Giáp-bốc) thì họ phải tôn trọng (2,4-5.17-22);
– các phần đất được phân chia đầu tiên cho ba chi tộc: một nửa thung lũng Ác-nôn và một nửa miền núi Ga-la-át được chia cho hai chi tộc Rưu-vên và Gát; một nửa còn lại của Ga-la-át và miền Ba-san được chia cho hai con của Mơ-na-se (3,12-17);
b. miền đất Ca-na-an, chính là miền đất hứa, “tuôn chảy sữa và mật”, mà Ít-ra-en sắp qua sông để chiếm cứ (7,13-15; 8,7-10; 11,8-15;…). Trong bối cảnh tương lai này, ông Mô-sê đưa ra những đường hướng để tổ chức đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị của dân, đi vào tất cả các chi tiết của một cuộc sống định cư, không còn phải lang thang rày đây mai đó nữa. Chỉ sợ phải trở lại:
c. cảnh nô lệ ở Ai-cập hoặc nơi lưu đày phân tán giữa chư dân, là hình phạt đe doạ dân bất tín với giao ước (x. 4,26-31; 28,29-68; 29,21-27; 30,1-10).
Công trình biên soạn
Nội dung Đnl cho thấy bản văn đã trải qua nhiều đợt biên soạn. Có thể nhận ra nhiều dấu hiệu giúp phân biệt các khâu trong quá trình biên soạn này.
Trước hết, một dấu hiệu về mặt bút pháp : bản văn dùng khi đại từ số ít khi đại từ số nhiều để chỉ Ít-ra-en, đối tượng của ông Mô-sê. Về mặt tư tưởng, một số quan điểm thay đổi từ đoạn này sang đoạn khác. Ví dụ về vai trò ông Mô-sê: ông là một trong các ngôn sứ hay là vị ngôn sứ có một không hai? (x. 18,15-18 và 34,10). Về việc thờ phượng Thiên Chúa: lúc nào bắt đầu có lệnh chỉ được thờ Thiên Chúa ở một đền thờ duy nhất? Và đó là đền thờ nào? (x. 12,4+tt). Cho tới lúc nào hàng Lê-vi còn là tư tế? (x. các chú thích ở 10,6 tt và đầu ch. 18). Một vài đoạn văn lại nhắc nhớ những tập quán phụng tự cổ xưa của đền thờ Si-khem trong vương quốc miền Bắc, nơi các thầy Lê-vi có vai trò quan trọng (x. 12,4 và nhất là ch. 27, với các chú thích đầu chương). Đồng thời, có những lối nói gợi ý rằng bản văn chắc chắn còn được soạn thêm vào thời lưu đày và hậu lưu đày nữa (x. 30,1-10).
Ngoài ra, một sự kiện lịch sử ghi trong 2 V cung cấp một mắt xích quan trọng hàng đầu, giúp xác định một cách khá chắc chắn vị trí của Đnl trong thời gian. Đó là năm 622 tCN, dưới thời vua Giô-si-gia, người ta “tìm thấy sách luật” trong đền thờ Giê-ru-sa-lem đang được trùng tu (x. 2 V 22,8.11); từ đó, vua Giô-si-gia phát động một chương trình cải cách tôn giáo khá triệt để trong vương quốc Giu-đa(x. 2 V 23,4-27), phù hợp với những luật cơ bản ghi trong Đnl 12. Hầu hết các nhà chú giải đều nhất trí rằng “sách luật” Kinh Thánh nói đến lần đầu tiên này (đầu tiên trong thời gian) là một bản văn ngắn gọn hơn bản văn Đnl hiện nay –có thể gọi là bản văn nguyên thuỷ–, đã được viết từ lâu(trước 622), nhưng đã bị rơi vào quên lãng và nằm đâu đó trong đền thờ Giê-ru-sa-lem một thời gian dài (nên sự phát hiện mới gây nhiều xúc động như thế).
Nhờ các yếu tố trên, có thể đưa ra những đợt biên soạn như sau:
1. Trước biến cố 721 tCN: trong một bản văn nguyên thuỷ, các tư tế Lê-vi đã thu thập ngắn gọn những truyền thống lâu đời của Ít-ra-en, để nhắc nhở dân tuân giữ lời giao ước đã ký kết tại núi Khô-rếp (Xi-nai), đặc biệt nhằm chống lại việc thờ phượng các thần của dân ngoại. Có thể xác định thời kỳ ghi chép này là sau khi vua Khít-ki-gia cố gắng thanh lọc nền phụng tự nhưng đã thất bại (2 V 18,3-8; 20,16-18), và khi việc thờ phượng các thần ngoại lại được thịnh hành dưới triều vua Mơ-na-se (x. 2 V 21). Chính phần này sử dụng đại từ số ít để chỉ Ít-ra-en, xoay quanh những truyền thống phụng tự của đền thờ Si-khem và những quan điểm cổ xưa nhất về luật Mô-sê của xã hội miền Bắc (x. 1,31+).
2. Sau biến cố 721 tCN, các thầy Lê-vi di tản xuống miền Nam, mang theo bản văn nguyên thuỷ vào vương quốc Giu-đa. Cho đến năm 622, có thêm phần biên soạn nào không là một câu hỏi chưa được trả lời, trong hiện trạng những tài liệu và hiểu biết của các nhà chuyên môn.
3. Từ năm 622 tCN, sau khi xảy ra việc phát hiện bản văn như đã nói trên và sau cuộc cải cách tôn giáo của vua Giô-si-gia, chắc chắn giới lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem (các tư tế, các nhà hiền triết) đã triển khai thêm bản văn nguyên thuỷ với những suy tư, luật lệ mới, trong bối cảnh xã hội vương quốc miền Nam. Đền thờ và nền phụng tự tại Giê-ru-sa-lem sẽ thay thế cho đền thờ và nền phụng tự tại Si-khem. Tới đây, bản văn đã đặt nền tảng cho một hướng quan niệm và thể hiện giao ước với Thiên Chúa, được gọi là truyền thống đệ nhị luật và sẽ gây ảnh hưởng sâu đậm về sau.
4. Mãi cho đến thời kỳ hậu lưu đày, với yếu tố mới là truyền thống các tư tế, các soạn giả cường điệu thêm các lời cảnh cáo, gia tăng các phần giảng giải và khuyến dụ. Đnl vừa kêu gọi Ít-ra-en bị lưu đày trở về với Thiên Chúa của giao ước –dựa vào lòng thành tín của Người–, vừa đưa ra những phương thức và mô hình tổ chức xã hội. Thật ra, những mô hình này là của giới Do-thái giáo thời kỳ hậu lưu đày cung cấp. Những đợt suy tư sau này kêu gọi lương tâm của từng cá nhân trong dân Chúa, như những chủ thể có trách nhiệm bảo trì những lời cam kết của giao ước, nên sử dụng đại từ số nhiều để chỉ Ít-ra-en (x. 1,31+).
5. Sau cùng, bản Đnl được bồi thêm phần đầu (1 – 3) và phần cuối (31 – 34), đại để theo truyền thống đệ nhị luật. Các chương 1 – 3 mở đầu cho Đnl, các chương cuối vừa làm phần kết luận của bộ Ngũ Thư vừa chuyển tiếp qua các sách lịch sử (x. ch. 31+).
Vậy Đnl là thành quả những suy tư và giáo huấn của giới Lê-vi, đã bắt nguồn từ những ngày họ đồng hành với ông Mô-sê trong sa mạc, không ngừng phát triển và tích tụ với thời gian, qua bao nhiêu biến cố lịch sử. Đó là hành trang đi theo Ít-ra-en không hề rời, từ ngưỡng cửa đi vào Đất Hứa cho đến khi ra khỏi đất lưu đày. Điều đáng chú ý là tất cả các soạn giả đều đặt mọi ngôn từ trên môi miệng của ông Mô-sê như những lời di chúc long trọng, khiến Đnl có được một tính đồng bộ rõ nét hơn các sách khác của bộ Ngũ Thư, và một uy tín rất lớn.
Truyền thống đệ nhị luật thật ra vượt hẳn biên giới sách Đệ nhị luật và ảnh hưởng đến các sách khác của bộ Ngũ Thư (x. Xh 12 – 13; 32 – 33; St 18,17-19) và các sách lịch sử (Gs, Tl, Sm và R). Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hoạt động vào cuối triều đại vua Giô-si-gia, chắc chắn đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của truyền thống này, cũng như các soạn giả các sách Giáo Huấn sau thời lưu đày. Chính Đức Giê-su cũng sẽ nhắc lại cốt tuỷ của truyền thống đệ nhị luật trong các lời giáo huấn của Người về luật yêu thương: x. Lc 10,25-28ss.29-37; 14,12-14. Đnl thật sự là một cuốn sách độc đáo, tạo nên một truyền thống bao trùm một phần lớn văn chương Do-thái giáo. Tuy nhiên, Đnl được đặt ở vị trí cuối bộ Ngũ Thư, vì toàn bộ những sách này ghi lại nguồn gốc và đoạn đầu lịch sử của dân Ít-ra-en, trong đó gương mặt nổi bật của ông Mô-sê có một ảnh hưởng độc nhất vô nhị, được Đnl làm rực sáng lên với những nét mạnh mẽ, bi hùng, và tiễn đưa vào cõi bất tử với một niềm cảm phục sâu xa.
Giáo lý
Có thể nói sách Đệ nhị luật là kết tinh của Do-thái giáo, trong sự cố kết chặt chẽ giữa phần nội tâm (là lòng gắn bó với Thiên Chúa và luật pháp của Người) với phần ngoại diện (là một xã hội trung kiên trong đức tin qua những trang sử đầy biến động).
Điều gì đã nâng cao Do-thái giáo đến một trình độ như thế? Đó là giáo lý toát ra từ các diễn từ đặt trên môi miệng ông Mô-sê, và có thể thâu tóm lại trong các đề cương sau đây:
– một Thiên Chúa duy nhất,
– một nơi thờ phượng duy nhất,
– một tình yêu chung thuỷ đã tuyển chọn một dân riêng,
lập ra với dân một giao ước,
ban hành cho dân luật yêu thương,
ban tặng cho dân một miền đất màu mỡ,
– một vị trung gian xuất chúng: ông Mô-sê, qua một bộ sách luật.
1. Một Thiên Chúa duy nhất
Sau một thời gian được mặc khải rằng ngoài Thiên Chúa ra, không được có thần nào khác, thì Ít-ra-en phải hiểu rằng ngoài Thiên Chúa ra, không có thần nào khác nữa (x. 4,35+). Chỉ có Người là Thiên Chúa thật và hằng sống (x. 7,9; 5,26). Để nhấn mạnh tính độc nhất này, Đnl nhắc nhở Người là một vị thần ghen tuông, đòi hỏi tất cả tình yêu và niềm tin của dân Người (x. 6,4+). Để chứng tỏ niềm tin tuyệt đối này, Ít-ra-en phải từ bỏ tà thần (x. 7,1-5; 12,2-3.30+) và đoạn tuyệt với bất cứ ai còn thờ các tà thần ấy (x. 13,3-7.14-16; 17,3.5).
2. Một nơi thờ phượng duy nhất
Để tránh nguy cơ thờ phượng những thần khác bên cạnh Thiên Chúa, Đnl đòi hỏi chỉ có một nơi để thờ phượng Người. Đền thờ duy nhất sẽ tượng trưng cho dân tộc duy nhất được chọn, và nói lên niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Cụ thể, Đnl đưa ra mọi chi tiết phượng thờ, nhằm xây dựng một nền phụng tự thống nhất trong toàn cõi Ít-ra-en: x. 12,5-11; 14,23; 16,2.6.11; 26,2.
3. Một tình yêu chung thuỷ
Đnl làm nổi bật tình yêu chung thuỷ của Thiên Chúa, trước hết đối với các tổ phụ Ít-ra-en (x. 4,31+.37; 7,12; 10,15), rồi đến các thế hệ được nghe lời truyền lại của ông Mô-sê trong Đnl (x. 5,2-3; 7,7-9.13; 23,6). Chính vì tình yêu này, mà:
a/ Thiên Chúa đã tuyển chọn Ít-ra-en làm dân riêng của Người. Những động từ và danh từ mà Đnl dành cho Ít-ra-en thật tiêu biểu: Ít-ra-en được giải thoát (21,8) và đưa ra khỏi đất Ai-cập (9,29), để làm dân thánh hiến cho Người, thuộc quyền sở hữu của Người (7,6+; 14,2.21; 26,19; 28,9), trở thành cơ nghiệp của Người (9,29). Sự ưu ái này khiến Ít-ra-en phải lấy làm hãnh diện: không có dân tộc nào sánh được (4,7+).
b/ Thiên Chúa đã lập giao ước với Ít-ra-en, giao ước mà chính Người đã chấp hành trước phần cam kết của mình (4,31; 5,2-3; 7,9; 8,18). Đnl còn tìm cách làm cho giao ước này được thêm giá trị thời sự là ghi thêm một giao ước tại Mô-áp (29,11-20).
c/ Thiên Chúa đã ban hành cho Ít-ra-en luật yêu thương. Trong Đnl, vô số những quyết định, mệnh lệnh, chỉ thị của Thiên Chúa được đưa ra, nhưng tất cả đều quy về một mối là luật yêu thương. Đnl gắn liền các thánh chỉ, lời Chúa, với những gì thiết thân nhất trong đời người: phải “ghi tạc vào lòng, buộc vào thân thể” (6,6.8; 11,18…), “không được quên” (4,9; 6,12; 8,11.14; 26,13; 32,18), vì luật và lời Chúa rất gần chứ không xa (30,12-14) và là sự sống của Ít-ra-en (32,47). Chọn tuân theo thánh ý Chúa là được phúc (10,13; 11,27; 28,1-14) và là con đường sống; ngược lại là sự nguyền rủa (28,15-19 và tt), là con đường dẫn đến cái chết (30,15-20+). Có thể chính vì đụng tới luật yêu thương là đụng tới vấn đề sinh tử của Ít-ra-en, mà Đnl đã cho lời lẽ của ông Mô-sê trở nên thống thiết như vậy. Câu tóm kết luật yêu thương, mà Tin Mừng sẽ còn nhắc lại, là một lời kêu gọi thiết tha: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (6,5+; x. 10,12; 11,1.13.22; 13,4; 19,9; 30,6.16.20), đồng thời mở rộng tình thương đến tha nhân (10,18-19; 15,11-15). Tin Mừng còn đặt cho cả hai đối tượng yêu thương một tầm quan trọng ngang nhau (x. Mt 22,34-40ss).
d/ Thiên Chúa đã ban cho Ít-ra-en một miền đất màu mỡ. Để Ít-ra-en có thể vào chiếm đất, Người hành động như một đồng minh, một tướng lãnh, và luôn nhắc nhở Ít-ra-en “đừng sợ” (1,21+). Miền đất Ít-ra-en được vào cũng được tặng cho những động từ và danh từ hết sức đặc biệt, chứng tỏ Ít-ra-en được Thiên Chúa nâng niu hết mực. Đó là đất Thiên Chúa ban –“Đất Hứa”– (1,8; 18,9; 19,8; 28,11; 30,20; 32,52), mà Ít-ra-en sắp vào chiếm hữu (7,1; 10,11; 23,21…); là đất tốt tươi, tuôn chảy sữa và mật (3,25 và 11,9+) vì được Thiên Chúa săn sóc (11,12.14; 26,15). Đnl liên kết miền đất này với phần phúc của Ít-ra-en (4,40 và 6,18+) cũng như với việc tuân giữ luật Chúa (4,1+tt).
4. Một vị trung gian xuất chúng
Như đã nói ở phần tiếp cận bản văn và cuối phần biên soạn, Đnl giới thiệu ông Mô-sê trong vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Vai trò ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức:
a/ Hình thức truyền miệng. Ngay từ đầu, Đnl ghi: “Ông Mô-sê nói” (1,5), và ở 1,18, lời của ông là: “Thời ấy, tôi đã truyền cho anh em mọi điều anh em phải làm”, tức là ông nhận các lệnh truyền từ Thiên Chúa rồi chuyển lời cho dân, như thể chính ông truyền lệnh. Đnl dùng kiểu nói này mười ba lần khi nói về mệnh lệnh của Thiên Chúa.
b/ Cách nói nêu rõ vị trí trung gian theo nghĩa đen: “Tôi đứng giữa Đức Chúa và anh em để thông báo cho anh em lời của Đức Chúa” (x. 5,5+). Vị trí này, vai trò này, chính hai bên đã yêu cầu: những người đứng đầu, những kỳ mục trong dân (5,23-27), và cả Thiên Chúa nữa (5,28-31). Cũng x. 29,13-14.
c/ Hình thức viết thành văn bản. Trong ba mươi chương đầu, Đnl ghi ông Mô-sê “nói” và “truyền”, đến 31,9 thì ghi ông “viết luật này”; vậy “luật Mô-sê” là do chính tay ông viết. Trang trọng hơn: “khi viết xong luật vào một cuốn sách, từ đầu chí cuối, thì ông truyền cho các thầy Lê-vi đặt sách luật bên Hòm Bia Giao Ước” (31,24-26). Hòm Bia Giao Ước đựng hai bia đá, trên đó “Thiên Chúa đã viết” mười lời của Người (x. 10,2-4), và bên cạnh là sách luật do chính ông viết. Đối với Ít-ra-en, Hòm Bia tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa, và sách luật (“tô-ra”) sẽ nhắc nhớ sự hiện diện của ông Mô-sê. Thật vậy, sách đó sẽ làm chứng cáo tội Ít-ra-en, sau khi ông chết (31,26).
d/ Hình thức đọc luật định kỳ. Trong không gian, sách luật được đặt bên Hòm Bia Giao Ước, trong thời gian, sách luật sẽ được người ta đọc định kỳ, để nghe mà “học cho biết kính sợ Đức Chúa và đem ra thực hành”, nhằm cho các thế hệ mai sau, “là những kẻ không biết, (cũng được) nghe và học cho biết kính sợ Đức Chúa” (x. 31,9-13+). Soạn giả Đnl thật là chu đáo!
đ/ Hình thức có tính cách thời sự cho hôm nay. Từ “hôm nay” là một trong những từ chủ lực của Đnl, được dùng mười hai lần, vừa chỉ ngày mà Ít-ra-en nghe được tiếng Chúa qua lời của ông Mô-sê, vừa chỉ tất cả những lần người ta đọc và nghe luật Chúa trong sách luật đặt cạnh Hòm Bia Giao Ước (x. 1,10+). Vậy chính sách luật đã trở thành một trung gian, để mọi người thuộc mọi thời được nghe tiếng Chúa. Vì thế, Đnl được xem là chìa khoá để đọc và gẫm suy lịch sử con người trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Bố cục
I. Những diễn từ mở đầu:
– diễn từ thứ nhất của ông Mô-sê (1,1 – 4,43)
– diễn từ thứ hai của ông Mô-sê (4,44 – 11,32)
II. Bộ Đệ nhị luật (12,1 – 26,15)
III. Những diễn từ kết thúc:
– phần cuối diễn từ thứ hai của ông Mô-sê (26,16 – 28,68)
– diễn từ thứ ba của ông Mô-sê (28,69 – 30,20)
IV. Những việc làm cuối cùng của ông Mô-sê. Ông Mô-sê qua đời
– chuẩn bị cuộc từ biệt (ch. 31)
– bài ca của ông Mô-sê (các ch. 32 và 33)
– ông Mô-sê qua đời (ch. 34)
🌸 🌸 🌸