DẪN NHẬP SÁCH CÁC VUA

Tên gọi và vị trí của sách các Vua trong Kinh Thánh Cựu Ước

Sách các Vua là phần tiếp nối sách Sa-mu-en (x. 2 Sm 9 – 20 ; 1 V 1 – 2). Sách tiếp tục kể câu truyện lịch sử từ cuối thời vua Đa-vít cho đến lúc Giu-đa phải lưu đày ở Ba-by-lon, một thời gian kéo dài khoảng bốn thế kỷ (970-562 tCN). Trong Kinh Thánh Do-thái, hai cuốn sách các Vua thực ra chỉ là một, và là cuốn thứ tư trong bộ sách “Các ngôn sứ trước” (Gs, Tl, Sm, V). Sở dĩ bộ sách này được gọi như vậy là để phân biệt với bộ sách “Các ngôn sứ sau” (Is, Gr, Ed và 12 ngôn sứ nhỏ). Truyền thống Do-thái đã gán cho các ngôn sứ là tác giả của bộ sách này : Giô-suê là tác giả sách Giô-suê, Sa-mu-en là tác giả sách Thủ lãnh và sách Sa-mu-en, Giê-rê-mi-a là tác giả sách các Vua.

Cũng như sách Sa-mu-en, sách các Vua đã được các dịch giả của bản LXX chia thành hai cuốn và được gọi là cuốn “3 và 4 Triều Đại”, nằm sau cuốn “1 và 2 Triều Đại” (1 và 2 Sa-mu-en). Cách phân chia này có lẽ chỉ là vấn đề thực tiễn và hơi vội vã : Cuốn sách quá dài, quá lớn phải chia làm hai cho tiện dụng. Vì thế mà có khi việc phân chia không được hợp lý lắm, như trường hợp sách các Vua : sách các Vua bị chia ngay ở giữa câu truyện vua A-khát-gia-hu và ngôn sứ Ê-li-a, làm cho câu truyện nằm ở cả hai cuốn sách (x. 1 V 22,52 – 2 V 1,8). Bản PT đã theo cách phân chia của bản LXX và đổi tên “1, 2, 3, 4 Triều Đại” của LXX thành “1, 2, 3, 4 các Vua”. Trong Kinh Thánh của Hội Thánh Công Giáo, sách các Vua nằm trong bộ sách Lịch Sử (xem Dẫn nhập tổng quát vào các sách Lịch Sử).

Hoàn cảnh hình thành sách các Vua

Lịch sử đất nước Ít-ra-en trải qua biết bao thăng trầm. Một đất nước có cả niềm hãnh diện là một dân tộc đặc biệt, được Thiên Chúa tuyển chọn trong số con cái loài người, để lập thành một dân riêng, một dân thánh ; một đất nước đã được Thiên Chúa huấn luyện qua biết bao gian lao thử thách, cuối cùng Người đã ban cho họ một miền đất hứa có đầy tràn sữa và mật ong ngọt. Họ sẽ luôn được sống bình yên hạnh phúc trong miền đất hứa (x. Đnl 28,1-14), nếu họ trung thành giữ Giao Ước họ đã ký kết với Thiên Chúa trên núi Xi-nai, qua trung gian ông Mô-sê, nếu họ trung thành giữ Luật của Thiên Chúa (x. Xh 19 – 23 ; Đnl 5,6-21), và nếu họ biết thờ phượng một mình Người tại một nơi thờ phượng duy nhất (x. Đnl 12,2-12). Còn ngược lại, họ sẽ bị đủ mọi thứ tai hoạ đổ xuống đầu (x. Đnl 28,15-68).

Nhưng rồi hình phạt của Thiên Chúa đã đến với họ ; và khi phải đối diện với những đau thương, nhất là những lúc phải lưu đày, họ quay nhìn lại lịch sử và đặt ra biết bao câu hỏi. Biến cố Sa-ma-ri bị sụp đổ đã làm cho Giu-đa phải bàng hoàng ! Phải chăng đó là sự trừng phạt, sự thịnh nộ của Thiên Chúa đang đổ xuống đầu Ít-ra-en (x. Đnl 28,15-68 ; 2 V 17,5-23 ; 18,9-12) ? Còn Giu-đa, số phận sẽ ra sao ? Đâu rồi lời hứa của Thiên Chúa dành cho vương triều Đa-vít (x. 2 Sm 7,12-16 ; 1 V 2,45 ; 2 V 8,19) ? Đâu rồi Giê-ru-sa-lem, và Đền Thờ, nơi có Danh Thiên Chúa ngự ở đó đến muôn đời (x. 2 Sm 7,1-16 ; 1 V 8,13) ?

Những câu hỏi đó và biết bao câu hỏi khác được đặt ra từ chính cuộc sống, từ những biến cố đau thương và những thất vọng của dân thánh. Những câu hỏi gay gắt cần có những câu trả lời thoả đáng, để làm cho lòng người vững tâm và bớt xao xuyến, để làm cho tâm hồn họ tìm thấy ánh sáng và niềm hy vọng. Thế là người ta đọc lại lịch sử, đặc biệt lịch sử các vua, dưới ánh sáng của truyền thống Đệ Nhị Luật, để thấy được câu trả lời.

Truyền thống Đệ Nhị Luật và sự hình thành sách các Vua

Nếu đọc kỹ sách Đệ nhị luật và bốn cuốn sách trong bộ “các ngôn sứ trước” (Gs, Tl, Sm, V), người ta sẽ nhận ra trong đó có một số điểm chung nào đó ; và những điểm chung này chính là cái nhìn “thần học theo truyền thống Đệ Nhị Luật”. Thiên Chúa muốn làm mọi điều tốt lành cho dân của Người. Người đã ký kết Giao Ước với họ. Nếu họ trung thành với Giao Ước, họ sẽ được Thiên Chúa ban cho muôn vàn phúc lành, còn nếu họ bất trung, thì muôn vàn tai hoạ sẽ đổ xuống đầu họ (x. Đnl 28,1-68).

Đa số các học giả Kinh Thánh hiện nay đồng ý rằng sách các Vua như là chương cuối cùng của một cuốn sách lớn bao gồm : sách Giô-suê, Thủ lãnh, Sa-mu-en và các Vua, nếu không muốn nói là cả sách Đệ nhị luật. Dưới cái nhìn của “thần học theo truyền thống Đệ Nhị Luật”, các tác giả đã suy tư, sưu tập và viết lại các giai đoạn lịch sử khác nhau của Ít-ra-en, và người ta gọi lịch sử đó là “lịch sử theo truyền thống Đệ Nhị Luật”.

Nói rằng các sách Đệ nhị luật, Giô-suê, Thủ lãnh, Sa-mu-en và các Vua là một tác phẩm không có nghĩa là chúng có cùng một tác giả, mà chỉ muốn nói chúng là sản phẩm của một trào lưu suy tư đang phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ, đặc biệt dưới thời vua Giô-si-gia, trào lưu suy tư đệ nhị luật.

Trở về trường hợp sách các Vua, có nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định vấn đề tác giả và thời gian biên soạn. Có người xem sách các Vua như một thể loại thống nhất, và dựa vào việc sách có đề cập đến sự kiện vua Ba-by-lon ân xá cho vua Giơ-hô-gia-khin (2 V 25,27-30), đã khẳng định sách các Vua được một sử gia theo truyền thống Đệ Nhị Luật biên soạn vào khoảng giữa những năm 560 và 538. Một số người khác dựa vào việc phân tích văn bản và cho rằng sách đã được biên soạn và bổ túc hai lần : một lần trước lưu đày và một lần sau lưu đày. Người khác lại cho là có ba lần biên soạn và bổ túc khác nhau : lần đầu tiên, một tư tế biên soạn ngay sau lưu đày (587 tCN), kế đến, một môn đệ của các ngôn sứ bổ túc vào khoảng năm 550, và lần cuối cùng là một thầy Lê-vi đã san định lại vào khoảng năm 500. Thật khó xác định được chính xác đâu là những phần khác biệt trong những lần biên soạn và bổ túc khác nhau.

Dù sao, điều chắc chắn là sách đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có “sách Sử Biên Niên của vua Sa-lô-môn (x. 1 V 11,41), sách Sử Biên Niên của các vua Giu-đa (x. 1 V 15,23 ; 2 V 8,23 ; v.v.), sách Sử Biên Niên của các vua Ít-ra-en (x. 1 V 15,31 ; 16,5.14 ; v.v.). Người ta cũng suy đoán sách có sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác từ Đền Thờ (x. 1 V 6 – 7), từ các ngôn sứ (x. 1 V 11,29 – 14,18 ; 17 – 19 ; 21 ; 2 V 1 ; 2 – 9 ; 13,14-21 ; 18,17 – 20,19 ; v.v.). Và cuốn sách các Vua như chúng ta có hôm nay không phải chỉ là việc góp nhặt các nguồn tài liệu khác nhau, nhưng một hay vài sử gia thuộc truyền thống Đệ Nhị Luật đã sưu tập, suy tư và biên soạn lại nhằm trả lời cho những vấn nạn đang làm tâm tư của dân thánh phải băn khoăn, khắc khoải.

Các chủ đề chính

Như chúng ta đã nói, sách các Vua là sản phẩm của truyền thống Đệ Nhị Luật. Người ta đã nhìn lại, đọc lại lịch sử, đặc biệt là lịch sử các vua, dưới cái nhìn của thần học theo truyền thống Đệ Nhị Luật, để phán xét và để tìm ra hướng đi cho lịch sử của dân thánh.

Như vậy, sách các Vua không phải là một cuốn sách lịch sử theo nghĩa hiện đại, mà là một cuốn sách suy tư thần học về lịch sử Ít-ra-en. Hay nói chính xác hơn, sách các Vua là cuốn sách suy tư thần học về lịch sử Ít-ra-en trong thời kỳ quân chủ, theo cái nhìn thần học của truyền thống Đệ Nhị Luật. Vậy thì thần học lịch sử của truyền thống Đệ Nhị Luật đã đề cập đến những điểm chính yếu nào trong sách các Vua ?

1. Vua Đa-vít : Nguyên mẫu – Những lời hứa tốt lành của Thiên Chúa

Sau khi dẹp được loạn trong giặc ngoài, và rước Hòm Bia về Giê-ru-sa-lem, vua Đa-vít được sống bình yên thảnh thơi mọi bề. Vua muốn xây cho Thiên Chúa một “Ngôi Nhà” thay cho “Lều vải”. Chính vì lòng thành này mà Thiên Chúa đã hứa cho Đa-vít những điều tốt đẹp qua ngôn sứ Na-than (x. 2 Sm 7). Và khi Thiên Chúa hứa cho vua thì cũng là hứa cho dân. Cuộc sống và phẩm hạnh của vua sẽ kéo theo cả định mệnh của dân Chúa. Tên tuổi của vua sẽ lẫy lừng ; dân Chúa sẽ được định cư một chỗ. Vua sẽ được thảnh thơi, không còn thù địch nào ; còn dân sẽ không còn bị quân gian ác áp bức … và Thiên Chúa sẽ làm cho nhà, cho vương quyền của vua được vững bền (x. 2 Sm 7,5-16).

Như vậy, mặc dù có vài sai sót, vua Đa-vít đã trở thành nguyên mẫu, thành vị vua lý tưởng cho mọi vị vua khác noi theo. Vua Đa-vít sẽ là thước đo để phán xét các vị vua khác (x. 1 V 3,3 ; 14,8 ; 15,11 ; 2 V 22,2).

Thiên Chúa muốn tuyển chọn một dân riêng và ban cho họ muôn vàn ơn lành. Người đặt các vua để cai quản và dẫn dắt họ. Nhưng rồi các vua có theo đường lối vua Đa-vít không ? Họ có phải là những vị vua khôn ngoan và đạo hạnh như vua Đa-vít không ? Và họ sẽ dẫn dắt dân thánh đi về đâu ?

2. Đền thờ Giê-ru-sa-lem : Trung tâm của việc thờ phượng

Khi vua Đa-vít có ý định xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà, thì Thiên Chúa hứa sẽ cho vương quyền Đa-vít, Nhà của Đa-vít, tồn tại mãi mãi, ngai vàng của ông được vững bền. Như vậy, nhà của Đa-vít có một tương quan nào đó với “nhà của Thiên Chúa” mà con vua, là vua Sa-lô-môn sẽ xây lên (x. 2 Sm 7).

Đền Thờ mà vua Sa-lô-môn sẽ xây có một vị trí đặc biệt trong sách các Vua và trong suy tư của truyền thống Đệ Nhị Luật.

Sách 1 V dành một phần khá dài cho việc xây cất, trang trí và cung hiến đền thờ Giê-ru-sa-lem (1 V 5,15 – 9,9). Và rải rác trong hai cuốn sách các Vua, các tác giả đã cho thấy vị trí trung tâm và tầm quan trọng của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vua Sa-lô-môn xây Đền Thờ là thực hiện nguyện vọng của vua cha (1 V 5,17-19). Đó là Đền Thờ mà “Danh Thiên Chúa sẽ ở đấy” (1 V 8,29), là nơi Thiên Chúa lắng nghe, phân xử và ban ơn cho Dân Chúa, khi từ khắp nơi họ đến, hoặc từ xa họ giơ tay hướng về Đền Thờ mà cầu nguyện với Người (x. 1 V 8,30-40).

Với cái nhìn này, sách các Vua kết án mạnh mẽ việc vua Gia-róp-am làm hai con bò mộng bằng vàng ở Bết Ên và ở Đan (x. 1 V 12,26-30), và xem đó như là một loại “tội nguyên tổ”. Nhiều vị vua khác cũng theo vết “tội nguyên tổ” đó mà phạm tội và lôi kéo Ít-ra-en phạm theo (x. 1 V 15,26.34 ; 16,2.19.26.31 ; v.v.). Như vậy, vua Gia-róp-am cũng trở thành nguyên mẫu những vị vua sai lạc, phản bội Thiên Chúa, khác hẳn vua Đa-vít là nguyên mẫu những vị vua trung thành với Thiên Chúa.

Đền thờ Giê-ru-sa-lem phải là trung tâm thờ phượng cho cả Giu-đa và Ít-ra-en. Các bàn thờ ở Bết Ên và Đan là sự phản bội Thiên Chúa ; các tế đàn, cột thờ và trụ thần mọc lên ở khắp nơi cũng chỉ là sự phản bội Thiên Chúa, cần phải dẹp bỏ. Phải tập trung các tư tế về Giê-ru-sa-lem (x. 2 V 23,4-25).

3. Vua và dân phản bội Thiên Chúa

Sách các Vua có một lối kể truyện lịch sử khá đặc biệt : Đầu mỗi triều đại là một bản tóm tắt lý lịch trích ngang của các vua, và một vài lời đánh giá tổng quát về vị vua và triều đại của vua ấy. Đa số các lời đánh giá đều là tiêu cực. Chỉ có vài vị vua Giu-đa được đánh giá là làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa, trong đó có vua A-xa (x. 1 V 15,11), vua Giơ-hô-sa-phát (1 V 22,43), vua Giô-át (2 V 12,3), vua A-mát-gia-hu (2 V 14,3), vua A-dác-gia (2 V 15,3), vua Giô-tham (2 V 15,34), đặc biệt vua Khít-ki-gia (2 V 18,3) và vua Giô-si-gia (2 V 22,2) ; đa số các vua Giu-đa còn lại đều là những người đã không làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa, đi theo đường lối các vua Ít-ra-en. Còn tất cả các vị vua Ít-ra-en đều là những kẻ làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, bắt chước Gia-róp-am, con ông Nơ-vát mà phạm tội và lôi kéo Ít-ra-en phạm theo.

Các vua phạm tội và lôi kéo dân chúng phạm theo, vua và dân phản bội Thiên Chúa, chạy theo tà thần, là những hình ảnh ảm đạm của thời quân chủ ở Giu-đa và Ít-ra-en.

4. Các ngôn sứ được sai đến để cảnh tỉnh.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh Do-thái xếp các sách Vua vào bộ “Các ngôn sứ trước”. Quả thật, trong sách các Vua, các ngôn sứ luôn có mặt vào những lúc “dầu sôi lửa bỏng” của lịch sử dân thánh. Ngay đầu sách 1 V, ngôn sứ Na-than đã can thiệp bên cạnh vua Đa-vít cho vua Sa-lô-môn lên ngôi kế vị, một bước ngoặt đặc biệt trong lịch sử đất nước và tôn giáo của Ít-ra-en. Lúc niềm tin vào Đức Chúa hầu như bị đánh mất tại Ít-ra-en bởi hoàng hậu I-de-ven, thì ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện (x. 1 V 17 – 19 ; 21,17-29 ; 1 V 22,52 – 2 V 2,18). Nhiều vị ngôn sứ khác cũng xuất hiện trong sách các Vua như ngôn sứ A-khi-gia (x. 1 V 14,1-8), một ngôn sứ vô danh (x. 1 V 20,13-14), ngôn sứ Mi-kha-giơ-hu (x. 1 V 22,13-28), ngôn sứ Ê-li-sa (x. 2 V 1,1-24 ; 3,9-19 ; v.v.), ngôn sứ I-sai-a (x. 2 V 19,1 – 20,19), nữ ngôn sứ Khun-đa (x. 2 V 22,11-20).

Các ngôn sứ là những sứ giả của Thiên Chúa đến nói Lời của Thiên Chúa cho vua và cho dân, để cảnh tỉnh họ, giúp họ đi vào đường ngay nẻo chính, hầu tránh Cơn Thịnh Nộ của Thiên Chúa có thể ập xuống trên họ.

5. Hình phạt

Sách các Vua diễn tả rất nhiều hình phạt Thiên Chúa dành cho các vua, cho Giu-đa và Ít-ra-en. Các tác giả thuộc truyền thống Đệ Nhị Luật không nhìn biến cố “ly khai”, các cuộc xâm lăng của ngoại bang, những cuộc chính biến ở vương quốc miền bắc, các tai ương, những lần phải đi lưu đày, chỉ thuần trên bình diện xã hội và chính trị. Trái lại, những biến cố ấy xảy đến chủ yếu là vì lý do tôn giáo : hình phạt của Thiên Chúa.

Vua Sa-lô-môn, một vị vua khôn ngoan, nổi tiếng, nhưng đến một lúc lòng vua đã rời xa Đức Chúa, đi theo các thần ngoại, đã làm Đức Chúa phải nổi giận, nên Người đã giựt một phần vương quốc mà trao cho Gia-róp-am (x. 1 V 11,9-13). Đất nước phải phân ly thành hai miền nam bắc (x. 1 V 12) !

Sa-ma-ri thất thủ, phải đi lưu đày, vương quốc Ít-ra-en suy tàn cũng chỉ vì họ đã đắc tội với Đức Chúa, phụng thờ các ngẫu tượng, khinh dể Lề Luật và Giao Ước, cứng đầu cứng cổ không nghe lời các ngôn sứ (x. 2 V 17,5-18).

Còn Giu-đa hai lần phải đi lưu đày, Giê-ru-sa-lem bị cướp phá, Đền Thờ bị đốt, tất cả đều là hình phạt của Thiên Chúa dành cho tội của vua Mơ-na-se và dân Giu-đa (x. 2 V 23,26-27 ; 24,3-4.20).

6. Niềm hy vọng

Biến cố Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền Thờ bị đốt cháy, dân phải đi lưu đày chắc đã làm cho dân Chúa phải bàng hoàng và thất vọng. Niềm tin vững chắc của dân vào lời hứa của Thiên Chúa xưa kia giờ đã bị lung lay tận gốc rễ.

Nhưng rồi một ánh sáng đã lóe lên : khoảng năm 562 tCN vua Ba-by-lon đã ân xá cho vua Giơ-hô-gia-khin, một người trong dòng dõi vua Đa-vít (x. 2 V 25,27-30). Thế là ngọn đèn luôn cháy sáng tại Giê-ru-sa-lem mà Thiên Chúa đã hứa cho nhà Đa-vít vẫn còn có hy vọng (x. 1 V 11,36 và chú thích ; 15,4 ; 2 V 8,19 ; 2 Sm 14,7 ; 2 Sb 21,7 ; Tv 18,29).

Như vậy chúng ta thấy rõ sách các Vua là sự cụ thể hoá trong lịch sử cái “sườn” thần học của truyền thống Đệ Nhị Luật. Các chủ đề trong sách các Vua chứng tỏ điều đó.

Bố cục

Sách các Vua quyển 1 (1,1 – 22,54)

I. Việc kế vị vua Đa-vít (1,1 – 2,46)

II. Tiểu sử Sa-lô-môn đại đế (3,1 – 11,43)

1. Sa-lô-môn, con người khôn ngoan (3,1 – 5,14)

2. Sa-lô-môn, con người xây cất (5,15 – 9,25)

3. Sa-lô-môn, nhà kinh doanh (9,26 – 10,29)

4. Bóng mây đen trên vương quốc (11,1-43)

III. Cuộc ly khai về chính trị và tôn giáo (12,1 – 13,34)

IV. Lịch sử hai vương quốc cho tới thời ngôn sứ Ê-li-a (14,1 – 16,34)

V. Truyện ngôn sứ Ê-li-a (17,1 – 2 V 1,18)

1. Cơn đại hạn (17,1 – 18,46)

2. Ngôn sứ Ê-li-a tại Khô-rếp (19,1-21)

3. Các cuộc chiến với người A-ram (20,1-43)

4. Vườn nho của ông Na-vốt (21,1-29)

5. Lại giao tranh với người A-ram (22,1-38)

6. Sau khi vua A-kháp qua đời (1 V 22,39 – 2 V 1,18)

Sách các Vua quyển 2 (1,1 – 25,30)

VI. Truyện ông Ê-li-a (2,1 – 13,25)

1. Những bước đầu (2,1-25)

2. Cuộc chiến chống Mô-áp (3,1-27)

3. Vài phép lạ của ông Ê-li-sa (4,1 – 6,7)

4. Chiến tranh với A-ram (6,8 – 8,29)

5. Truyện vua Giê-hu (9,1 – 10,36)

6. Từ triều A-than-gia đến khi ông Ê-li-sa qua đời (11,1 – 13,25)

VII. Hai vương quốc cho tới ngày Sa-ma-ri thất thủ (14,1 – 17,41)

VIII. Những giai đoạn cuối cùng của vương quốc Giu-đa (18,1 – 25,30)

1. Vua Khít-ki-gia, ngôn sứ I-sai-a và nước Át-sua (18,1 – 20,21)

2. Hai vua bất trung (21,1-26)

3. Vua Giô-si-gia với việc cải cách tôn giáo (22,1 – 23,30)

4. Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (23,31 – 25,30)

🌸 🌸 🌸

Bản văn Kinh Thánh được dùng theo bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ